Tuesday 8 November 2011

cứu người thì khen, chết người thì lơ...

Đọc tất cả các báo, vẫn chưa thấy bộ trưởng Đinh La Thăng- tổng tư lệnh ngành giao thông vận tải- có lời chia buồn, hỏi thăm tới các nạn nhân trong vụ 10 người chết cháy thảm thương và 25 người bị thương do xe khách bốc cháy ở Bình Thuận. (search "Đinh La Thăng" +"10 người chết cháy"). Trong khi đó ông đã có thư khen chị Nguyễn Thị Nhàn - nhân viên gác chắn Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên - vì hành động dũng cảm cứu người trước khi đoàn tàu lao tới. http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/tuoitre.vn/Bo-truong-Dinh-La-Thang-gui-thu-khen-chi-Nhan/7315233.epi

Friday 21 October 2011

Những thức uống đặc sắc của đất Thái Bình

Anh em, bạn bè nào có dịp ghé về Thái Bình, nên dành đôi chút thời gian để vào quán cà fê O2 (gần ngã tư trung tâm thành phố) để thưởng thức những thức uống độc đáo, đặc sắc như trong Menu này nhé:


Thursday 6 October 2011

“Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ”

Những lời phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.



Friday 30 September 2011

Tiên cha sư bố thằng… dự báo


Làm mình chạy xe máy 30 km giữa cảnh mưa gió sập sùi về Tiền Hải (Thái Bình) để rồi đón bão….hụt.

Saturday 17 September 2011

Vừa đi đường vừa kể chuyện (1)

- Nghe nói dạo này mày làm ăn khá giả lắm hả?
- Không, khá giả gì đâu. Tao chỉ làm ăn khá thật thôi! :D

Không xoăn, không sao

Hôm trước ngồi uống bia, thằng Tuyền bạn mình mặt lo lắng lôi một sợi đen đen từ chiếc nem chua đưa cho mình. Mình trấn an nó: "Không xoăn, không sao". Mặt nó dãn ra, hoan hỉ cụng ly với mình.

Wednesday 7 September 2011

Thư gửi các thầy cô



Kính thưa các thầy cô,
Rất mong các thầy cô đọc những lời bộc bạch của tôi khi gửi gắm đứa con tới trường. Tôi biết, cháu phải học rất nhiều về toán, lý, hóa, văn… Nhưng cũng mong thầy cô bỏ thêm thời giờ để hướng dẫn cháu những kỹ năng sống, cách suy nghĩ trước mỗi sự việc, để ra đời cháu là người có ích và nhất là cháu có thể học suốt cuộc đời còn lại sau khi rời mái trường.
Tôi biết, con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết, cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai của một người cha có tên rất lạ “Ai Nghĩ Dùm Tôi”.
Xin cảm ơn các thầy cô đã chú ý lắng nghe.

Thursday 1 September 2011

“Quả bom” ô nhiễm nổ chậm


“Từ năm 2007 đến nay, xã đã nhận được hơn 200 đơn kêu cứu của người dân về tình trạng ô nhiễm từ khu cng nghiệp (KCN) Việt Hương 2”- ông Đặng Văn Thọ- cán bộ địa chính- tài nguyên môi trường xã An Tây (Bến Cát, Bình Dương) cho biết. Người dân bức xúc bởi phải chịu đựng mùi hôi thối kinh người từ KCN; rất nhiều hộ phải mua nước đóng chai để ăn, uống bởi kinh sợ nguồn nước ngầm ô nhiễm nơi đây.   ô
Tanh như…xác chết
Ông Nguyễn Văn Thu, một người dân xã An Tây bức xúc: “Hàng ngày chúng tôi phải chịu đựng mùi tanh như xác chết, cay, hôi. Nhiều người ngồi trong cửa kính, hoặc cách xa KCN vài km mà vẫn nghe thấy mùi. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng thối vẫn… hoàn thối”. Mùi thối kinh khủng nhất là từ 5- 8 giờ sáng và từ 18- 21 giờ hàng ngày; khi trời mưa thì mùi thối lại càng dữ dằn hơn. Người dân phản ánh: nếu không thở thì…chết, mà thở thì mang bệnh; đa số người dân mắc phải các bệnh như viêm mũi, khó thở, ho, da xanh tái…
Không chỉ chịu đựng mùi thối, đa số người dân sống gần cổng KCN còn không thể dùng nguồn nước ngầm. Chị Nguyễn Thị Phượng (ấp Lồ Ồ), sống cạnh cổng KCN cho biết: Khoảng hai năm nay, nước giếng bơm lên có màng như dầu mỡ, màu vàng đục, hôi rất khó chịu. Từ đầu năm nay, tình hình càng trầm trọng hơn. Gia đình chị chỉ dám dùng nước giếng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải dùng nước bình (12.000 đồng/bình). Thường thì một ngày chị dùng hết một bình. Đại đa số hộ sống cạnh cổng KCN phải chịu cảnh như chị Phượng.
Chúng tôi đã có buổi thực địa trong KCN Việt Hương 2. Tại bờ tường Cty TNHH Yi Sheng (chuyên thuộc da), mặc dù đã đeo khẩu trang, nhưng mùi hôi khó tả từ dòng nước thải chảy ra cống vẫn khiến chúng tôi sởn gai ốc. Ngoài ra, còn có Cty kỹ nghệ sinh hóa Việt Khang. Được biết, Cty này thu gom vỏ cua, sò ốc rồi dùng axit ngâm, tẩy, phơi khô để làm thuốc.
Ngày 8.7.2009, Cty Việt Khang đã bị Thanh tra của Ban quản lý các KCN Bình Dương xử phạt hành chính 32 triệu đồng, do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép (cụ thể: nồng độ COD vượt tiêu chuẩn cho phép 513 lần, BOD5 vượt 465 lần).  Ngoài ra, quá trình sản xuất đã phát sinh các chất thải rắn như: tro, than, bao bì đựng nguyên liệu, hóa chất, nguyên liệu phế thải, bùn từ hệ thống xử lý nước thải. Các chất này được để ngoài trời, không có mái che, khi trời mưa, các chất gây ô nhiễm hòa vào nước mưa chảy ra môi trường gây ô nhiễm. Cùng ngày, Cty thuộc da Yi Sheng cũng bị phạt 17 triệu đồng vì những vi phạm tương tự. Rõ ràng, mức phạt trên là quá nhẹ đã không đủ sức răn đe các Cty vi phạm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 15.7.2009, UBND xã An Tây kết hợp cùng Ban quản lý môi trường trong KCN Việt Hương 2 tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm môi trường đối với Cty TNHH sinh hóa Việt Khang với hành vi xả nước thải tràn qua cống nước mưa tập trung của KCN, nhưng giám đốc Cty Việt Khang không ký vào biên bản. Kết quả thử nghiệm mẫu nước tại cống nước mưa của Cty đang xả vào công nước mưa tập trung của KCN cho thấy vượt nồng độ cho phép.
Ngày 6.8.2009, UBND huyện Bến Cát đã có công văn gửi Ban Quản lý các KCN Bình Dương nêu lên những bức xúc của người dân, đồng thời đề nghị khẩn trương tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời đối với 2 Cty nói trên; tăng cường công tác kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các DN trong KCN Việt Hương 2 để không xảy ra tình trạng ô nhiễm như thời gian vừa qua.  
“Bom nổ chậm”
Phó Chủ tịch xã An Tây Dương Văn Lá cho biết sau khi nhận đơn của người dân, xã đã tổng hợp để gửi lên UBND huyện, Sở TNMT, và Ban quản lý các KCN, nhưng đến giờ tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một thông tin ông  đưa ra thực sự khiến chúng tôi bất ngờ và lo ngại, đó chính là KCN này chưa có…“đầu ra” cho nước thải, tức nước thải từ KCN này không biết đấu nối vào đâu. Sau khi xử lý nước, do không có đường ống thải nên KCN thải ra một…bãi đất, rồi từ đó nước ngấm xuống mạch nước ngầm. “Mà không biết nhà máy xử lý nước thải có hoạt động thường xuyên không”- ông Đặng Văn Thọ tiếp lời. Được biết, trước đây, KCN có đào một cái hồ rộng khoảng 1 ha để chứa nước thải sau xử lý, nhưng sau khi người dân phản ứng vì quá hôi thối, cơ quan chức năng đã buộc KCN phải lấp đi. Thời điểm còn hồ, tuy đã qua xử lý, nhưng qua kiểm tra, nồng độ nước trong hồ đều ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn cho phép.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi thực sự lo ngại khi biết rằng: hiện KCN rộng hơn 197ha  này có 37 dự án (13 đã hoạt động), thì phần lớn là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong đó có tới 9 dự án thuộc da và gia công các loại da thuộc (2 đang hoạt động, 7 đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị xây dựng). Bên cạnh đó, còn có 6 dự án dệt nhuộm, trong đó 2 đã hoạt động. Các dự án khác cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như: sản xuất túi nhựa, các sản phẩm về nhựa, sản xuất các loại dung môi hữu cơ, vỏ hải sản đã qua sơ chế… Nói đây là một “quả bom nổ chậm” về ô nhiễm cũng không quá! Nếu không được “gỡ ngòi nổ” thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường! Mới chỉ vài công ty đi vào hoạt động mà người dân đã kêu trời, thì không hiểu họ sẽ sống ra sao khi tất cả các dự án trên đi vào sản xuất?

Tuesday 30 August 2011

Vậy là hết, Gaddafi!


TP – Cuối cùng, thủ đô Tripoli thất thủ. Cuối cùng, người dân Lybia biết vài phần về cuộc sống xa hoa của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, người mà hơn 40 năm trước lật đổ chế độ quân chủ, tức vương triều của vua Idris I, để mở ra một chế độ mới dựa trên cái gọi là “dân chủ nhân dân trực tiếp”. Nhưng không vì thế mà Lybia bước vào một kỷ nguyên dân chủ.

Nhà lãnh đạo Gadhafi dùng đủ mọi cách để xây đắp một “vương triều” mới, ở đó ông trở thành ông vua, dù trên danh nghĩa không có ngai vàng chính thức. Đại tá Gadhafi, như ông tự phong, ngồi trên ngai vàng ấy tới 42 năm trước khi làn sóng dân chủ, với sự hậu thuẫn đầy toan tính của phương Tây, cuốn phăng đế chế Gadhafi chỉ trong vài tháng.

Cho dù đại tá Gadhafi chưa bị bắt, hay chưa ai xác nhận rằng ông đã chết, nhưng có thể chắc chắn: vương triều Gadhafi đã đến ngày tàn. Vì sao? Vì ánh hào quang của một lãnh tụ tối cao, lắm khi có thể được mang ra so sánh với những vị thánh, đã bị lột trần. Chứng kiến lối sống xa hoa với những khu biệt thự quá ư sang trọng,bể bơi ngập tràn ánh nắng, những trang bị nội thất đắt tiền, những chai rượu xuất xứ từ các nước phương Tây, ở những quốc gia mà người từng đứng đầu Lybia từng không ít lần coi là những thứ xấu xa của thế giới, người dân Lybia chắc chắn sẽ phải xem lại những gì từng được nghe, được tuyên truyền, những luận thuyết “vĩ đại và sâu xa” của vị lãnh tụ tối cao.

Và cho dù lực lượng trung thành với ông Gadhafi có chiếm lại được thủ đô Tripoli, ông Gadhafi thoát nạn trở về thì “một nước Lybia của ngày nay chắc chắn không phải là Lybia của ngày xưa nữa”. Mọi bức màn nhung đã hạ, mọi đám khói sân khấu chính trị đã tan, để người dân Lybia nhìn rõ chân dung những diễn viên trên sân khấu quyền lực nước mình.

Có thể ai đó sẽ lên tiếng trách cứ NATO, xem họ là những kẻ đạo đức giả, tất cả chỉ vì lòng tham, vì những giếng dầu trữ lượng cao của Lybia. Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu ta giữ gìn, không hớ hênh, tạo điều kiện cho người khác động lòng tà thì đời sẽ bớt đi những tay trộm cướp. Nếu sau khi lật đổ vương triều phong kiến, ngài đại tá Gadhafi mở ra một thời kỳ dân chủ, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, bầu bán công khai, minh bạch quyền lực thì đâu có ngày phải chui lủi như một ông vua thất thế và bao nhiêu công lao gây dựng nền cộng hòa ở Lybia trở nên vô nghĩa, ngoại bang có cớ để can dự.

Trong chính trị, rất khó nói chuyện đúng sai vì nói một cách đơn giản, chính trị là nghệ thuật giành và giữ quyền lực. Nhưng dù có quyền nhưng không phát huy dân chủ, “lòng dân không theo” như cách nói của Hồ Nguyên Trừng, con trai Hồ Quý Ly ở Việt Nam, không nhà nước nào có thể trụ vững, dù có bày ra nghìn kế trăm phương hòng duy trì ngôi báu.

Xuân Thủy (Báo Tiền Phong)

Wednesday 24 August 2011

Nhộn nhịp mua bán đất cho…người chết


“Những huyệt mộ có vị trí đẹp, sát mặt đường tại khu I (khu mộ đại chúng) đều đã có chủ rồi. Anh có thể chọn những khu khác”- một nhân viên giao dịch tại văn phòng điều hành nghĩa trang công viên Bình Dương cho hay khi tôi hỏi mua “đất của người chết” này cho ông nội. Anh cũng cho biết thêm: 90% người đến mua huyệt mộ là từ TPHCM. Trong số những người đến đây, không ít là đầu cơ để chuyển nhượng lại huyệt mộ kiếm lời.
Sôi động bán mua
Khi tôi đến, tại văn phòng điều hành nghĩa trang, có hơn chục người đến tìm hiểu, tư vấn, mua đất huyệt mộ tại nghĩa trang. Những nhân viên giao dịch luôn tay giải thích, trả lời, làm hợp đồng cho khách đến mua. Tuy trên bản đồ thể hiện tám khu huyệt mộ (đánh dấu bằng các chữ cái), nhưng nhân viên ở đây cho biết: hiện mới chỉ có ba khu, khu I (khu mộ đại chúng), khu B (tín ngưỡng đại thừa, tiểu thừa, lương) và khu K (khu mộ phá cách) là đã đi vào hoạt động, còn các khu khác đang trong quá trình xây dựng.
Tôi được một nhân viên đưa cho bảng giá đất huyệt được áp dụng từ ngày 20.3.2009. Nếu ai đó từng nói rằng: Khi chết, mọi người đều giống nhau, đều trở về với cát bụi, thì chắc hẳn phải… nghĩ lại khi nhìn bảng giá đất này, bởi ngay trong nghĩa trang này, giá huyệt mộ cũng khác nhau, tùy theo vị trí của từng chiếc. Theo đó, giá huyệt mộ tại khu I có giá từ 14 triệu đến gần 20 triệu đồng, tùy vị trí nằm gần mặt tiền đường hay không. Giá đắt nhất là các vị trí tại giao lộ 7m và 7m, với 19,5 triệu đồng/mộ. Số tiền này bao gồm tiền đất huyệt cộng với phí chăm sóc, bảo quản mộ (20% giá trị đất mộ), chi phí xây kim tĩnh và chi phí lát dall.
Khu I này chính là nơi việc mua bán diễn ra sôi động nhất, do hợp với túi tiền của phần đông người dân. Trên tấm bản đồ được treo ngay tại văn phòng, những vị trí đẹp, nằm sát đường đều đã được đánh dấu màu xanh, thể hiện vị trí này đã bị “xí phần”. Chỉ còn những vị trí nằm xa đường thì vẫn còn khá nhiều.  
Cao cấp hơn là đất tại huyệt mộ khu B. Cũng như tại khu I, những vị trí gần với đường, cũng như gần các công trình kiến trúc thì có giá cao hơn các vị trí khác. Các phần đất huyệt mộ này có giá giao động từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/mộ. Các vị trí ở khu B2 có giá “mềm” hơn cả, trong khoảng từ 50 triệu đến hơn 80 triệu đồng/mộ. Đắt đỏ nhất tại khu B là các khu B1.3, B1.4, B1.5, B1.6, có vị trí được định giá tới gần 200 triệu đồng/mộ.
Choáng váng nhất vẫn là huyệt mộ ở khu K (khu mộ phá cách). Đây là khu mộ dành cho cả gia tộc, có giá từ hơn 100 triệu đồng đến… gần 400 triệu đồng. Thực ra, tính giá trị theo m2 thì giá đất ở khu này chỉ bằng 1/3 so với khu B1, nhưng vì một mộ có diện tích lớn nên giá mới chót vót như vậy. Ví dụ, tại khu K1, các vị trí tiếp giáp đường 6m có giá là 3,6 triệu đồng/m2, với diện tích là 81m2, cùng với chi phí chăm sóc, bảo quản mộ, chi phí xây kim tĩnh, thì tổng cộng tiền một mộ là gần 350 triệu đồng.
Bên cạnh số tiền mua huyệt mộ, người xây mộ phải móc túi thêm từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để xây mộ, tùy thuộc vào mẫu mộ như thế nào, từ mẫu mộ với đá tím Khánh Hòa đến đá hồng Gia lai, đá xà cừ, đá Kim Sa…
Tiếp xúc với một cụ già đến mua, ông cho tôi biết cụ từ TPHCM lên đây cùng với các con để chọn đất. Sau khi được tư vấn, xem vị trí đất, ông quyết định mua hai huyệt với giá mỗi huyệt 84 triệu đồng. Ông phải đặt cọc mỗi huyệt là 15 triệu đồng, trong vòng 20 ngày phải trả hết số tiền còn lại, nếu không trả đúng hạn thì sẽ mất tiền đặt cọc. Ông cho hay: vị trí hai huyệt mộ ông mua gần với chùa Đại An, hiện chưa được triển khai, nhưng nếu chùa được xây xong, thì những huyệt mộ nằm gần chùa sẽ có giá đắt hơn nhiều. “Bây giờ có tiền mua trước, nhở đâu nữa giá lại tăng, hơn nữa, đợi khi ốm yếu rồi mới chạy ngược xuôi để mua thì rất khổ”- ông nói.
Những người đầu cơ…mộ
“Chúng tôi hiện đang sỡ hữu một số lượng lớn Sanh phần, nằm ở mặt tiền đường nhựa tại Khu I, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Đặc biệt, hàng mộ mặt tiền nằm trên đường rộng 7m nên rất tiện cho xe bus  vào tận nơi, trước dãy mặt tiền có sân cỏ và lề đường rộng 10m nên rất thoáng và đẹp. Nếu quý vị có nhu cầu mua, xin liên hệ với chúng tôi…”. Lần theo lời giới thiệu này trên mạng Internet, tôi gọi điện thoại đến người tên Minh. Khi tôi hỏi muốn mua một huyệt tại khu I, anh này cho hay, hiện anh có một vị trí rất đẹp tại Khu I 2.4, được đánh số 23, giáp với cả hai mặt tiền đường. Khi tôi hỏi giá, anh đưa ra con số 24 triệu đồng. Tôi than giá hơi mắc, anh giãi bày: “Tôi mua phần huyệt này hơn một năm rồi, lúc đấy giá đã là 17-18 triệu”. Rồi anh khẳng định những vị trí đẹp đã bị mua hết, trong đó, không nhỏ là những người đầu cơ mộ như anh. “Tôi mua mấy chục cái, bây giờ đã bán gần hết, chỉ còn vài cái thôi”. Anh tiết lộ thêm, ngoài việc mua rồi bán lại huyệt mộ để kiếm lời, anh còn giới thiệu khách hàng đến công ty. Nếu giao dịch được thực hiện, thì công ty sẽ trả tiền “hoa hồng” vài trăm ngàn “gọi là tiền đổ xăng thôi”.
Tuy chủ đầu tư hạn chế một cá nhân mua tối đa  40 phần mộ nhưng theo một người dân sống gần nghĩa trang, đã có người mua hơn con số này ở khu I, và hiện đã sang tay người khác gần hết. Ngay từ khi công viên nghĩa trang đi vào hoạt động, những người này đã nhanh nhạy xí phần những vị trí đẹp để bán lại cho người khác, kiếm tiền chênh lệch. Chủ đầu tư chấp nhận việc người mua sang nhượng huyệt mộ cho người khác.   
Tại một trang web rao vặt khác, chúng tôi đọc được lời quảng cáo như sau: “Đang sở hữa 12 ô mộ tại nghĩa trang công viên Bình Dương. Các ngôi mộ nằm ở vị trí rất đẹp (nằm sát khu mặt tiền đường công viên). Giá bán: một huyệt mộ là 22 triệu và không tốn bất cứ phí nào khác trong việc chôn cất”.  Kèm theo đó, người rao vặt này còn đưa hình ảnh những phần mộ mà mình đã sở hữu (trên bản đồ).
Quả là, tại nghĩa trang này, bên cạnh những người lo xa cho cái chết của mình, thì còn có những người biết nhìn xa, biết nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để kiếm lời từ những cái tưởng chừng chỉ để dành cho người chết này.
Box: Nghĩa trang công viên Bình Dương tọa lạc tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (cách thị xã Thủ Dầu một khoảng 25 km) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa làm chủ đầu tư. Nghĩa trang có diện tích gần 200 ha, được đưa vào hoạt động từ  tháng 11-2007.  Nghĩa trang có quy mô của một quần thể kiến trúc đậm nét văn hoá, đa tôn giáo, có đài tưởng niệm, quảng trường chính và nhà lưu cốt. Nghĩa trang bao gồm các khu dành cho cán bộ cao cấp, người có công với nước, khu cho người theo đạo, khu cho người Hoa, khu cho người nước ngoài và người không có nơi cư trú ổn định… Mỗi khu đều thiết kế biểu tượng kiến trúc riêng biệt. Gia Bảo

Monday 8 August 2011

Khi con cái là... “lá chắn”


Cháu Trần Văn Đạt và bà
Vác bụng chửa để che mắt việc buôn bán ma túy, cố tình mang thai để được “né án tù”, lợi dụng lúc nuôi con nhỏ để “cấp tập” phân phối hàng cấm, bà “dùng” cháu để ăn xin được “thuận lợi” hơn khi mẹ chúng bị tù vì ma túy...
Đó là những câu chuyện buồn đằng sau cuộc chiến phòng chống ma túy tại Thái Bình.

SINH CON ĐỂ... BÁN MA TÚY VÀ TRỐN TÙ

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng phòng chống tội phạm về ma túy, CATP Thái Bình không cần nhìn sổ khi kể cho tôi về những “nữ quái” trên địa bàn thành phố lợi dụng việc mang thai hoặc nuôi con nhỏ để buôn bán ma túy và thoát tù tội:

Đối tượng Vũ Thị Hương (SN 1974, tổ 42, phường Kỳ Bá) là một kẻ chuyên bán lẻ ma túy cho các con nghiện tại nơi cư trú.

Sau khi chấp hành án 30 tháng tù giam vì buôn bán trái phép chất ma túy (từ 11-7-2001 đến 11-9-2003), trở về địa phương Hương lại “ngựa quen đường cũ”, đã nghĩ ra “độc chiêu” là phải chửa để có được “lá bùa hộ mệnh” mặc dù Hương đã có 2 con “nếp, tẻ”.

Bụng chửa to vượt mặt, Hương vẫn tung tẩy khắp nơi buôn ma túy với cường độ nhiều hơn và thủ đoạn tinh vi hơn. Hành vi của Hương khiến khu vực bờ sông phường Kỳ Bá từ tổ 42 đến 45 trở thành nơi nhức nhối về ma túy.

Theo thông tin từ CATP Thái Bình, các đối tượng mua bán trên địa bàn có khoảng 119 người, trong đó nữ chiếm 80%. Đối tượng Trương Thị Hoa (SN 1982, tại tổ 40 Kỳ Bá) bị bắt 2 lần mới đưa vào tù được. Lần thứ nhất vào năm 2004, Hoa bị bắt vì buôn bán ma túy trong khi mang thai 6 tháng nên được tại ngoại.

Trong một năm tại ngoại, Hoa vẫn tích cực buôn bán ma túy và cặp kè với bồ để “xin” một đứa con khác. Khi bị bắt lần 2 (năm 2005) thì con Hoa mới được 6 tháng tuổi, nhưng do qui định mới liên ngành CA, tòa án, viện kiểm sát (qui định này về chấp hành hình phạt tù với những phụ nữ có thai hoặc nuôi con 36 tháng tuổi tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm thì vẫn phải chấp hành án tù), nên thị vẫn bị bắt và hiện đang thi hành án tại trại Ninh Khánh.

Từ khi có qui định này, những phụ nữ buôn bán ma túy đã không còn lợi dụng để đẻ con liên miên tránh tù nữa, nhưng chúng vẫn tận dụng triệt để thời gian được tại ngoại để “hoạt động” mãnh liệt hơn hòng kiếm thật nhiều tiền trước khi bị... vào trại.

Những “bà mẹ bán ma túy” chủ yếu là bán lẻ, chứ không tham gia đường dây buôn ma túy lớn. Một phần không có sức khỏe, một phần không có điều kiện đi, vì dù sao vẫn còn phải trông nom con. Tuy nhiên, cũng có những kẻ đang tâm để mặc con mình.

Đó là trường hợp của Vũ Thị Hường (ở tổ 10, phường Quang Trung). Hường đã có 2 tiền án về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy nên luôn dùng con để thoát tội. Bị chồng ruồng bỏ, Hường lập tức kiếm đứa con ngoài giá thú để rồi vừa mang thai vừa buôn ma túy. Khi cháu bé 6 tháng tuổi, Hường đã trút nợ cho ông nội để rảnh tay bán ma túy trong khi danh nghĩa, Hường vẫn nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nên không thể bắt thi hành án.

Danh sách những “bà mẹ bất đắc dĩ” này còn dài thêm bởi những cái tên như: Nguyễn Thị Thúy (ở tổ 4, Kỳ Bá), Ngô Thị Hà (tổ 39, Quang Trung), Phạm Thị Hương (tổ 16, Tiền Phong), Nguyễn Thị Thảo (xóm 3, Hoàng Diệu)...

BẤT HẠNH TỪ TRONG BỤNG MẸ

Mặc dù đa số bà mẹ trong bài viết này vẫn còn trong người tình mẫu tử, nhưng những đứa trẻ thì bất hạnh ngay từ lúc sinh ra. Chúng ra đời để phục vụ lợi ích của mẹ mình. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, bố mẹ mải mê kiếm tiền, ngay sau đó “vô khám” nên con phải theo vào tù, hoặc bơ vơ khi chúng chỉ đang như “búp trên cành”.
Quyết định hoãn thi hành án phạt tù do nuôi con nhỏ của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đối với Phan Thị Út.

Một bản hoãn thi hành án của tòa án tỉnh
Năm 2002, Võ Thị Hiên (ở phường Kỳ Bá) bị bắt lần đầu tiên vì tội buôn bán trái phép chất ma túy khi đang nuôi con nhỏ nên được hoãn thi hành án. Năm 2005, bị bắt lần 2 nhưng lúc này thị đang mang thai đứa con thứ 2 nên vẫn được tại ngoại. Lần thứ 3 bị bắt thì “nuôi con nhỏ” cũng đã không cứu được nữa bởi thị thuộc dạng tái phạm nguy hiểm. Hai con của Hiên, dù mới chỉ vài tuổi nhưng đã phải theo mẹ vào nhà lao Ninh Khánh (Ninh Bình).

Ông Hà Công Ấn, Phó bí thư chi bộ phường Lê Hồng Phong, thở dài khi chúng tôi nhắc đến gia cảnh Nguyễn Thị Lan (tổ 21) trong phường. Bị bắt vì mua bán ma túy, nhưng Lan được tại ngoại bởi đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng tranh thủ tự do, hai vợ chồng lại ráo riết buôn bán “làm những mẻ cuối” nên đã bị bắt lần 2. Cả vợ lẫn chồng giờ đã vào tù, để 3 đứa con trai Trần Văn Đức (18 tuổi), Trần Văn Lâm (12 tuổi) và Trần Văn Đạt (4 tuổi) cho bà ngoại Nguyễn Thị Còng nuôi.

Đập vào mắt chúng tôi khi đến nhà bà Còng là cháu Đạt với khuôn mặt buồn bã đang ngồi chơi một mình bên trong cái thùng xốp, hỏi gì cũng không nói. Xung quanh là quần áo, đồ đạc vứt tứ tung, khắp nơi lấm lem màu đen than tổ ong. Do ít được tắm rửa nên mặt mũi cháu nhọ nhem, áo quần bẩn thỉu. Bà Còng thì đang nấu cơm. “Món trưa có gì đấy ạ?” - tôi hỏi. Bà bảo: “Chỉ mỗi rau muống thôi, có tiền đâu mà ăn”.

Từ khi bố mẹ vào tù, hai cháu còn nhỏ sống nhờ vào nghề ăn xin của bà và tấm lòng hảo tâm của mọi người. Cháu lớn tên Đức thì đã thôi học từ lớp 6, bỏ nhà lang bạt “đi đâu chẳng rõ”, chỉ biết cứ 2 - 3 tháng về một lần, thấy trong nhà có đồ gì bà mới sắm là xách đi bán kiếm tiền. Có lần, hắn còn dẫn cả bạn gái về, hai đứa sống trong nhà mấy ngày liền. Người mẹ bị tù 19 năm, mới thụ án được 4 năm; còn người bố thì tháng 12 này ra trại, nhưng chả hy vọng gì ở ông bố này.

Cháu Lâm cũng bỏ học 2 năm, năm nay nhờ sự vận động của tổ dân phố đã đi học lại. “Noi gương” anh, Lâm cũng móc trộm tiền của bà khi thì 100, khi 200 nghìn để ăn quà vặt.

Đáng thương nhất là cháu Đạt. Hàng ngày, nếu không đi ăn xin với bà thì lếch thếch chơi một mình... khắp thành phố, và ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi cháu lớn lên? Nếu người dân trong tổ bắt gặp sẽ “áp tải” cháu đi học ở Nhà Chung bên cạnh, còn không cháu cứ im lìm đi chơi, khi nào bẩn quá thì hàng xóm sẽ tắm rửa cho.

Điều đáng nói là tổ dân phố đã nhiều lần đề nghị đưa 2 cháu vào trại tế bần của huyện Vũ Thư, không ít cá nhân đề đạt nguyện vọng được nuôi 2 cháu cho đến khi mẹ chúng được thả ra, nhưng bà Còng lắc đầu với lý do “cháu tôi thì tôi nuôi”. Theo người dân nơi đây, bà giữ cháu lại bởi có cháu Đạt đi theo thì xin mới được nhiều tiền hơn mà thôi. Trước đây cháu giúp mẹ, giờ lại “giúp bà” chăng?

Vũ Thị Thúy (tổ 4, phường Kỳ Bá) bị phạt 36 tháng tù nhưng vì nuôi con nhỏ nên được tại ngoại. Thúy chưa kết hôn nhưng đã có 2 cháu Đỗ Phương Trinh (5 tuổi) và Đỗ Việt Anh (3 tuổi). Trong thời gian tại ngoại, Thúy vẫn quần là áo lượt đi đánh bài ngày đêm. Chồng hờ vốn cục tính đã đánh đập Thúy không thương tiếc.

Hai đứa con gần như không ai chăm sóc, sống vạ vật trong nhà. Lúc nào 2 cháu cũng buồn bã, ít nô đùa với trẻ con trong khu phố. Vừa rồi cháu Anh bị tiêu chảy, nhưng do không chữa dứt điểm nên kéo dài tới 7 tháng liền. Khi chính quyền quan tâm đến 2 cháu nhỏ còn bị bà mẹ chua ngoa này chửi bới.

Rời Thái Bình, tôi bị ám ảnh bởi lời một vị làm công tác phòng chống ma túy lâu năm: “Nếu mẹ buôn ma túy, gần như chắc chắn con sẽ hư hỏng, nhất là những đứa trẻ sinh ra để mẹ trốn án tù”. Cái gọi là “luật nhân quả” là đây chăng, nhưng nghe sao quá nghiệt ngã... Tương lai nào đang chờ những đứa trẻ vô tội?