Sunday 31 July 2011

Thằng ku này nhát gan qá, haiz


HAI THÂN PHẬN TRÊN... ĐỒI MÌN


Hai vợ chồng bật khóc khi nói đến việc bị thu hồi phần đất họ đã mất nhiều năm khai hoang.
Chúng tôi phải “leo” lên con đường nhỏ xíu, ngoằn ngoèo chỉ đủ một con gà chạy nằm khuất sau xóm Lò Heo (Khu phố 9, P. Chánh Nghĩa, TX. Thủ Dầu Một, Bình Dương) mới đến căn nhà tình nghĩa của đôi vợ chồng già. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước 2 thân phận già cả đang phải sống trên mảnh đất cùng với... mìn, với nhiều phần mộ, và cả câu chuyện buồn của một gia đình chính sách với hành trình 10 năm xin “sổ đỏ” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vẫn chưa có hồi kết.

          2 THÂN PHẬN “RỔ RÁ CẠP LẠI”

          Ông Nguyễn Văn Diệp (tên thường gọi Nguyễn Văn Một) có gương mặt điển hình cho những người khốn khổ, số phận nổi nên: gầy xanh, lộ xương, đôi mắt ưu buồn nằm sâu trong hốc mắt. Câu chuyện cuộc đời ông là một chuỗi dài những đau thương. Sinh năm 1931 tại xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, ông tham gia phong trào cách mạng tại địa phương từ năm 1956, rồi được kết nạp Đảng, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Lai Hưng. Cuối 1960, ông cùng người vợ mới cưới nhận nhiệm vụ tại tỉnh Phước Long (trước đây). “Hồi đấy, chiến tranh ác liệt lắm, cơm rau thiếu thốn, vợ tôi tên là Nguyễn Thị Ly, lúc đó là y tá phải làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Do thiếu ăn, nên bà ấy đã kiệt sức mà chết. Cái chết của vợ tôi còn mang theo cả đứa con thơ dại mới 13 tháng tuổi. Mất vợ, mất con, tôi đau đớn chết đi, sống lại”- ông nói, giọng trầm buồn. 

Hai ông bà chỉ cho PV nơi có mìn
          Hòa bình lập lại. Ông gà trống nuôi các con. Nào bất hạnh đã buông tha! Ông còn phải gánh chịu mất mát khi thêm 2 người con nữa chết vì bệnh tật. Năm 1982, ông gặp bà Nguyễn Thị Thắng- làm việc tại CA tỉnh, là vợ ông bây giờ. Trước khi đến với ông, bà cũng đã một lần lập gia đình như ông. Chồng bà là ông Nguyễn Hoàng Trọng, công tác tại Cục Chính trị Quân khu 7. Ông đã bị thương rất nặng trong chiến tranh, sau đó, năm 1978, ông đã rời xa bà Thắng mãi mãi do vết thương cũ tái phát. “Cùng cực lắm, chồng chết, để lại tôi bơ vơ bụng mang, dạ chửa, lại phải nuôi 1 cháu  thơ dại”- bà Thắng nhớ lại mà ứa nước mắt. Để cùng nhau bước tiếp quãng đời dằng dặc, năm 1988, ông Một bà Thắng đã nên nghĩa vợ chồng, cùng với các con sống trong khu tập thể CA tỉnh.

        Căn nhà tập thể chật hẹp, không đủ cho 2 vợ chồng và 4 người con sinh hoạt (mỗi người có 2 con riêng). Trước tình cảnh ấy, năm 1998, ông đã được chính quyền tìm đất để xây nhà tình nghĩa. Ông Một cho hay: khi đó, ông nguyện vọng xin đất tại xã Lai Hưng, Bến Cát để hai vợ chồng được gần gũi hương hỏa tổ tiên, nhưng sau đó, ngôi nhà tình nghĩa của ông bà đã bị “nhét” giữa mảnh đất có chôn mồ mả, án ngữ trước một đồn ngụy trước đây tại Khu phố 9, P. Chánh Nghĩa, TX. Thủ Dầu Một.

          SỐNG CÙNG VỚI... MÌN

          Ngày 9/11/1998, UBND TX đã trao tặng căn nhà tình nghĩa rộng 30m2 cho gia đình ông. Sau đó, ông Một kể lại: ông B.M.T, nguyên Bí thư P. Chánh Nghĩa đề nghị gia đình ông Một khai phá diện tích đất còn lại để sử dụng. Căn nhà tình nghĩa có 2 phòng, thì một đã dành để thờ tự các anh hùng liệt sĩ, còn lại 15m2, làm sao “nhét” được 6 con người (gồm ông, bà và 4 người con)? Vì vậy, hai vợ chồng sớm sớm lại đạp xe từ chỗ trọ bên Công an để lên mảnh đất mới này “khai khẩn”. Sau này, ông bà phải làm thêm căn buồng, bếp nấu ăn “nối” vào căn nhà tình nghĩa mới đủ để cả gia đình sinh sống.

Căn nhà treo rất nhiều huân, huy chương kháng chiến
          Ông Một cho biết: “Bao nhiêu ngày tháng, tôi và bà ấy, người thì chặt cây, người thì vơ cỏ để khai hoang”. Khi khai hoang trên phần đất rộng tới 391,1 m2 này, tôi phát hiện có rất nhiều mồ mả. Thời gian đầu, tôi chỉ phát hiện được 2 cái mộ, nhưng cho đến hôm nay đã có tới 11 ngôi mộ”. Ông Một an ủi vợ: “Thôi, rồi sau này chúng mình cũng trở về với những người chết thôi mà”. Lạ một điều là mỗi khi ông bà dọn vườn, rồi đốt cỏ, không một nhà hàng xóm nào dám bén mảng đến phần đất của 2 vợ chồng. “Lúc đầu tôi tưởng là họ sợ... ma, nhưng không phải, hỏi ra mới biết họ sợ...  rắn và sợ bom mìn nổ.”- ông nói.  Ông cho biết thêm, sau giải phóng, nhiều người khi vào đây lấy củi, đã chết vì dẫm phải bom.

Ông Một cùng một cán bộ Ban chỉ huy quân sự tỉnh
          Khi vợ chồng ông chưa sống ở đây, người hàng xóm khi làm nhà vệ sinh đã... đào phải 1 quả mìn, rồi sau đó, ông còn phát hiện thêm quả mìn nữa nằm ở sau nhà. Ông nói: ông bà tá hỏa cầu cứu đến cơ quan chức năng để tháo gỡ. Thế nhưng, khi xuống xem xét, có cán bộ khuyên: không nên tháo gỡ, bởi lo “rút dây sẽ động rừng” vì biết đâu dưới quả mìn này lại còn thêm quả mìn khác. Họ nói ông bà hãy ngày ngày đổ urê và muối để dần dần tiêu hủy mìn, tránh nổ. Nhìn thấy mìn đã sợ rồi, chứ đâu dám đến gần, vậy là ông bà đành phải lấy một cái đĩa đặt lên trên nơi có mìn để đánh dấu.



        HÀNH TRÌNH GIAN NAN TÌM SỔ ĐỎ

          Ông Một chỉ tay ra vườn cây, nói: “Chân tay chúng tôi đã chai sạn để khai hoang mảnh đất này, biến nó từ một “khu đất chết” trở thành vườn cây xanh tươi, vậy mà...”. Ông bà bật khóc, giọng ông trở nên lập cập, nước mắt rỉ ra nơi hốc mắt. Ngày 17/3/2004, UBND TX. Thủ Dầu Một đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1072 QSDĐ/H. Đến ngày 23/7/2004, UBND Phường đã có văn bản báo cáo lên UBND TX ra quyết định thu hồi “sổ đỏ”, và đến ngày 05/08/2004, UBND TX đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này với lý do lấn chiếm đất công, theo đó, thu hồi 155,7 m2 đất trong tổng 391,1 m2 mà ông đang sử dụng để xây dựng nhà đại đoàn kết cho một hộ dân bị thi hành án. Ông đã gửi khiếu nại nhiều lần, tới nhiều nơi. Ngày 20.6.2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định công nhận quyết định trên của UBND TX.
   
Quả mìn sau khi được tháo dỡ 
          Sáng 28.10, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Thế Phương- Chủ tịch UBND P. Chánh Nghĩa. Ông Phương cho biết: Khi cấp sổ đỏ đại trà, anh em địa chính không biết đã cấp cho ông Một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 391,1 m2. Sau khi khảo sát lại, Phường đã kiến nghị UBND TX ra quyết định thu hồi sổ đỏ và điều chỉnh lại diện tích đất để cấp quyền sử dụng đất cho ông Một. Vụ tranh chấp xảy ra khi chính quyền phường lấy lại một phần đất để xây nhà Đại đoàn kết cho một gia đình bị cưỡng chế thi hành án. Chúng tôi đã cạn kiệt nguồn đất công, trong khi đó, một hộ đang cần được xây dựng nhà Đại đoàn kết. Đến nay, vụ khiếu kiện vẫn còn tiếp tục, Thanh tra tỉnh đang thanh tra. Theo ông Phương: Nếu ông Một đồng ý về diện tích đất cấp lại (Khoảng hơn 200m2) thì chính quyền sẽ cấp lại sổ đỏ cho số diện tích này, đồng thời sẽ kiểm tra lại và có chính sách sửa chữa nhà cho ông Nguyễn Văn Một. Hiện căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp với nhiều vết nứt. Ông Một phải “nẹp” gỗ vào cột nhà để tránh nguy hiểm. Ngoài ra, còn một cây trâm đằng sau nhà, mà theo bà Thắng, nếu bị đổ, thì căn nhà tình nghĩa sẽ lảnh đủ!

          Mong sao, chính quyền và gia đình ông Một có cách giải quyết hợp tình, hợp lý, để 2 vợ chồng một đời cống hiến cho cách mạng, đều đã mất đi những người thương yêu nhất trong chiến tranh, được sống vui vẻ, thanh thản khi tuổi đã xế chiều.


Sau khi chúng tôi trình bày vụ việc “có mìn” tại khu đất ông Một đang sử dụng lên Ban chỉ huy Quân sự Thị xã, ngày 31.10, cán bộ của Ban chỉ huy quân quân sự Thị xã và Phường Chánh Nghĩa đã xuống nhà ông Nguyễn Văn Một để khảo sát. Ông Đỗ Quốc Anh (Ban chỉ huy quân sự Thị xã)  đã xác nhận dưới chiếc đĩa ông Một đánh dấu có quả mìn gài K58. Ông đã tháo gỡ quả mìn an toàn ngay lúc đó. Còn quả đạn pháo thứ 2 nằm ở trước sân, do đã được đổ muối, nên theo ông Quốc Anh và ông Nguyễn Từ Tâm- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự P. Chánh Nghĩa: quả đạn pháo đã xử lý đúng qui trình, có khả năng đạn pháo đã phân hủy, nên không tháo gỡ. Theo nhận định của 2 ông, đây là đồi án ngữ trước đồn ngụy ngày xưa, nên có khả năng, còn nhiều mìn cài trên quả đồi này. Ông Tâm dặn ông Một: Nếu phát hiện thêm quả bom mìn nào, thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng để cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ.

          Bà Thắng thở phào, nói: 10 năm nay, gia đình sống trong thấp thỏm, lo lắng vì 2 quả mìn kế nhà, nhưng hôm nay, nhờ cán bộ của Thị đội và Phường đội giúp tháo mìn làm gia đình đã an tâm hơn.


         
          ĐOÀN TẤT THẢO