Tuesday 30 August 2011

Vậy là hết, Gaddafi!


TP – Cuối cùng, thủ đô Tripoli thất thủ. Cuối cùng, người dân Lybia biết vài phần về cuộc sống xa hoa của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, người mà hơn 40 năm trước lật đổ chế độ quân chủ, tức vương triều của vua Idris I, để mở ra một chế độ mới dựa trên cái gọi là “dân chủ nhân dân trực tiếp”. Nhưng không vì thế mà Lybia bước vào một kỷ nguyên dân chủ.

Nhà lãnh đạo Gadhafi dùng đủ mọi cách để xây đắp một “vương triều” mới, ở đó ông trở thành ông vua, dù trên danh nghĩa không có ngai vàng chính thức. Đại tá Gadhafi, như ông tự phong, ngồi trên ngai vàng ấy tới 42 năm trước khi làn sóng dân chủ, với sự hậu thuẫn đầy toan tính của phương Tây, cuốn phăng đế chế Gadhafi chỉ trong vài tháng.

Cho dù đại tá Gadhafi chưa bị bắt, hay chưa ai xác nhận rằng ông đã chết, nhưng có thể chắc chắn: vương triều Gadhafi đã đến ngày tàn. Vì sao? Vì ánh hào quang của một lãnh tụ tối cao, lắm khi có thể được mang ra so sánh với những vị thánh, đã bị lột trần. Chứng kiến lối sống xa hoa với những khu biệt thự quá ư sang trọng,bể bơi ngập tràn ánh nắng, những trang bị nội thất đắt tiền, những chai rượu xuất xứ từ các nước phương Tây, ở những quốc gia mà người từng đứng đầu Lybia từng không ít lần coi là những thứ xấu xa của thế giới, người dân Lybia chắc chắn sẽ phải xem lại những gì từng được nghe, được tuyên truyền, những luận thuyết “vĩ đại và sâu xa” của vị lãnh tụ tối cao.

Và cho dù lực lượng trung thành với ông Gadhafi có chiếm lại được thủ đô Tripoli, ông Gadhafi thoát nạn trở về thì “một nước Lybia của ngày nay chắc chắn không phải là Lybia của ngày xưa nữa”. Mọi bức màn nhung đã hạ, mọi đám khói sân khấu chính trị đã tan, để người dân Lybia nhìn rõ chân dung những diễn viên trên sân khấu quyền lực nước mình.

Có thể ai đó sẽ lên tiếng trách cứ NATO, xem họ là những kẻ đạo đức giả, tất cả chỉ vì lòng tham, vì những giếng dầu trữ lượng cao của Lybia. Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu ta giữ gìn, không hớ hênh, tạo điều kiện cho người khác động lòng tà thì đời sẽ bớt đi những tay trộm cướp. Nếu sau khi lật đổ vương triều phong kiến, ngài đại tá Gadhafi mở ra một thời kỳ dân chủ, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, bầu bán công khai, minh bạch quyền lực thì đâu có ngày phải chui lủi như một ông vua thất thế và bao nhiêu công lao gây dựng nền cộng hòa ở Lybia trở nên vô nghĩa, ngoại bang có cớ để can dự.

Trong chính trị, rất khó nói chuyện đúng sai vì nói một cách đơn giản, chính trị là nghệ thuật giành và giữ quyền lực. Nhưng dù có quyền nhưng không phát huy dân chủ, “lòng dân không theo” như cách nói của Hồ Nguyên Trừng, con trai Hồ Quý Ly ở Việt Nam, không nhà nước nào có thể trụ vững, dù có bày ra nghìn kế trăm phương hòng duy trì ngôi báu.

Xuân Thủy (Báo Tiền Phong)

Wednesday 24 August 2011

Nhộn nhịp mua bán đất cho…người chết


“Những huyệt mộ có vị trí đẹp, sát mặt đường tại khu I (khu mộ đại chúng) đều đã có chủ rồi. Anh có thể chọn những khu khác”- một nhân viên giao dịch tại văn phòng điều hành nghĩa trang công viên Bình Dương cho hay khi tôi hỏi mua “đất của người chết” này cho ông nội. Anh cũng cho biết thêm: 90% người đến mua huyệt mộ là từ TPHCM. Trong số những người đến đây, không ít là đầu cơ để chuyển nhượng lại huyệt mộ kiếm lời.
Sôi động bán mua
Khi tôi đến, tại văn phòng điều hành nghĩa trang, có hơn chục người đến tìm hiểu, tư vấn, mua đất huyệt mộ tại nghĩa trang. Những nhân viên giao dịch luôn tay giải thích, trả lời, làm hợp đồng cho khách đến mua. Tuy trên bản đồ thể hiện tám khu huyệt mộ (đánh dấu bằng các chữ cái), nhưng nhân viên ở đây cho biết: hiện mới chỉ có ba khu, khu I (khu mộ đại chúng), khu B (tín ngưỡng đại thừa, tiểu thừa, lương) và khu K (khu mộ phá cách) là đã đi vào hoạt động, còn các khu khác đang trong quá trình xây dựng.
Tôi được một nhân viên đưa cho bảng giá đất huyệt được áp dụng từ ngày 20.3.2009. Nếu ai đó từng nói rằng: Khi chết, mọi người đều giống nhau, đều trở về với cát bụi, thì chắc hẳn phải… nghĩ lại khi nhìn bảng giá đất này, bởi ngay trong nghĩa trang này, giá huyệt mộ cũng khác nhau, tùy theo vị trí của từng chiếc. Theo đó, giá huyệt mộ tại khu I có giá từ 14 triệu đến gần 20 triệu đồng, tùy vị trí nằm gần mặt tiền đường hay không. Giá đắt nhất là các vị trí tại giao lộ 7m và 7m, với 19,5 triệu đồng/mộ. Số tiền này bao gồm tiền đất huyệt cộng với phí chăm sóc, bảo quản mộ (20% giá trị đất mộ), chi phí xây kim tĩnh và chi phí lát dall.
Khu I này chính là nơi việc mua bán diễn ra sôi động nhất, do hợp với túi tiền của phần đông người dân. Trên tấm bản đồ được treo ngay tại văn phòng, những vị trí đẹp, nằm sát đường đều đã được đánh dấu màu xanh, thể hiện vị trí này đã bị “xí phần”. Chỉ còn những vị trí nằm xa đường thì vẫn còn khá nhiều.  
Cao cấp hơn là đất tại huyệt mộ khu B. Cũng như tại khu I, những vị trí gần với đường, cũng như gần các công trình kiến trúc thì có giá cao hơn các vị trí khác. Các phần đất huyệt mộ này có giá giao động từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/mộ. Các vị trí ở khu B2 có giá “mềm” hơn cả, trong khoảng từ 50 triệu đến hơn 80 triệu đồng/mộ. Đắt đỏ nhất tại khu B là các khu B1.3, B1.4, B1.5, B1.6, có vị trí được định giá tới gần 200 triệu đồng/mộ.
Choáng váng nhất vẫn là huyệt mộ ở khu K (khu mộ phá cách). Đây là khu mộ dành cho cả gia tộc, có giá từ hơn 100 triệu đồng đến… gần 400 triệu đồng. Thực ra, tính giá trị theo m2 thì giá đất ở khu này chỉ bằng 1/3 so với khu B1, nhưng vì một mộ có diện tích lớn nên giá mới chót vót như vậy. Ví dụ, tại khu K1, các vị trí tiếp giáp đường 6m có giá là 3,6 triệu đồng/m2, với diện tích là 81m2, cùng với chi phí chăm sóc, bảo quản mộ, chi phí xây kim tĩnh, thì tổng cộng tiền một mộ là gần 350 triệu đồng.
Bên cạnh số tiền mua huyệt mộ, người xây mộ phải móc túi thêm từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để xây mộ, tùy thuộc vào mẫu mộ như thế nào, từ mẫu mộ với đá tím Khánh Hòa đến đá hồng Gia lai, đá xà cừ, đá Kim Sa…
Tiếp xúc với một cụ già đến mua, ông cho tôi biết cụ từ TPHCM lên đây cùng với các con để chọn đất. Sau khi được tư vấn, xem vị trí đất, ông quyết định mua hai huyệt với giá mỗi huyệt 84 triệu đồng. Ông phải đặt cọc mỗi huyệt là 15 triệu đồng, trong vòng 20 ngày phải trả hết số tiền còn lại, nếu không trả đúng hạn thì sẽ mất tiền đặt cọc. Ông cho hay: vị trí hai huyệt mộ ông mua gần với chùa Đại An, hiện chưa được triển khai, nhưng nếu chùa được xây xong, thì những huyệt mộ nằm gần chùa sẽ có giá đắt hơn nhiều. “Bây giờ có tiền mua trước, nhở đâu nữa giá lại tăng, hơn nữa, đợi khi ốm yếu rồi mới chạy ngược xuôi để mua thì rất khổ”- ông nói.
Những người đầu cơ…mộ
“Chúng tôi hiện đang sỡ hữu một số lượng lớn Sanh phần, nằm ở mặt tiền đường nhựa tại Khu I, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Đặc biệt, hàng mộ mặt tiền nằm trên đường rộng 7m nên rất tiện cho xe bus  vào tận nơi, trước dãy mặt tiền có sân cỏ và lề đường rộng 10m nên rất thoáng và đẹp. Nếu quý vị có nhu cầu mua, xin liên hệ với chúng tôi…”. Lần theo lời giới thiệu này trên mạng Internet, tôi gọi điện thoại đến người tên Minh. Khi tôi hỏi muốn mua một huyệt tại khu I, anh này cho hay, hiện anh có một vị trí rất đẹp tại Khu I 2.4, được đánh số 23, giáp với cả hai mặt tiền đường. Khi tôi hỏi giá, anh đưa ra con số 24 triệu đồng. Tôi than giá hơi mắc, anh giãi bày: “Tôi mua phần huyệt này hơn một năm rồi, lúc đấy giá đã là 17-18 triệu”. Rồi anh khẳng định những vị trí đẹp đã bị mua hết, trong đó, không nhỏ là những người đầu cơ mộ như anh. “Tôi mua mấy chục cái, bây giờ đã bán gần hết, chỉ còn vài cái thôi”. Anh tiết lộ thêm, ngoài việc mua rồi bán lại huyệt mộ để kiếm lời, anh còn giới thiệu khách hàng đến công ty. Nếu giao dịch được thực hiện, thì công ty sẽ trả tiền “hoa hồng” vài trăm ngàn “gọi là tiền đổ xăng thôi”.
Tuy chủ đầu tư hạn chế một cá nhân mua tối đa  40 phần mộ nhưng theo một người dân sống gần nghĩa trang, đã có người mua hơn con số này ở khu I, và hiện đã sang tay người khác gần hết. Ngay từ khi công viên nghĩa trang đi vào hoạt động, những người này đã nhanh nhạy xí phần những vị trí đẹp để bán lại cho người khác, kiếm tiền chênh lệch. Chủ đầu tư chấp nhận việc người mua sang nhượng huyệt mộ cho người khác.   
Tại một trang web rao vặt khác, chúng tôi đọc được lời quảng cáo như sau: “Đang sở hữa 12 ô mộ tại nghĩa trang công viên Bình Dương. Các ngôi mộ nằm ở vị trí rất đẹp (nằm sát khu mặt tiền đường công viên). Giá bán: một huyệt mộ là 22 triệu và không tốn bất cứ phí nào khác trong việc chôn cất”.  Kèm theo đó, người rao vặt này còn đưa hình ảnh những phần mộ mà mình đã sở hữu (trên bản đồ).
Quả là, tại nghĩa trang này, bên cạnh những người lo xa cho cái chết của mình, thì còn có những người biết nhìn xa, biết nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để kiếm lời từ những cái tưởng chừng chỉ để dành cho người chết này.
Box: Nghĩa trang công viên Bình Dương tọa lạc tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (cách thị xã Thủ Dầu một khoảng 25 km) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa làm chủ đầu tư. Nghĩa trang có diện tích gần 200 ha, được đưa vào hoạt động từ  tháng 11-2007.  Nghĩa trang có quy mô của một quần thể kiến trúc đậm nét văn hoá, đa tôn giáo, có đài tưởng niệm, quảng trường chính và nhà lưu cốt. Nghĩa trang bao gồm các khu dành cho cán bộ cao cấp, người có công với nước, khu cho người theo đạo, khu cho người Hoa, khu cho người nước ngoài và người không có nơi cư trú ổn định… Mỗi khu đều thiết kế biểu tượng kiến trúc riêng biệt. Gia Bảo

Monday 8 August 2011

Khi con cái là... “lá chắn”


Cháu Trần Văn Đạt và bà
Vác bụng chửa để che mắt việc buôn bán ma túy, cố tình mang thai để được “né án tù”, lợi dụng lúc nuôi con nhỏ để “cấp tập” phân phối hàng cấm, bà “dùng” cháu để ăn xin được “thuận lợi” hơn khi mẹ chúng bị tù vì ma túy...
Đó là những câu chuyện buồn đằng sau cuộc chiến phòng chống ma túy tại Thái Bình.

SINH CON ĐỂ... BÁN MA TÚY VÀ TRỐN TÙ

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng phòng chống tội phạm về ma túy, CATP Thái Bình không cần nhìn sổ khi kể cho tôi về những “nữ quái” trên địa bàn thành phố lợi dụng việc mang thai hoặc nuôi con nhỏ để buôn bán ma túy và thoát tù tội:

Đối tượng Vũ Thị Hương (SN 1974, tổ 42, phường Kỳ Bá) là một kẻ chuyên bán lẻ ma túy cho các con nghiện tại nơi cư trú.

Sau khi chấp hành án 30 tháng tù giam vì buôn bán trái phép chất ma túy (từ 11-7-2001 đến 11-9-2003), trở về địa phương Hương lại “ngựa quen đường cũ”, đã nghĩ ra “độc chiêu” là phải chửa để có được “lá bùa hộ mệnh” mặc dù Hương đã có 2 con “nếp, tẻ”.

Bụng chửa to vượt mặt, Hương vẫn tung tẩy khắp nơi buôn ma túy với cường độ nhiều hơn và thủ đoạn tinh vi hơn. Hành vi của Hương khiến khu vực bờ sông phường Kỳ Bá từ tổ 42 đến 45 trở thành nơi nhức nhối về ma túy.

Theo thông tin từ CATP Thái Bình, các đối tượng mua bán trên địa bàn có khoảng 119 người, trong đó nữ chiếm 80%. Đối tượng Trương Thị Hoa (SN 1982, tại tổ 40 Kỳ Bá) bị bắt 2 lần mới đưa vào tù được. Lần thứ nhất vào năm 2004, Hoa bị bắt vì buôn bán ma túy trong khi mang thai 6 tháng nên được tại ngoại.

Trong một năm tại ngoại, Hoa vẫn tích cực buôn bán ma túy và cặp kè với bồ để “xin” một đứa con khác. Khi bị bắt lần 2 (năm 2005) thì con Hoa mới được 6 tháng tuổi, nhưng do qui định mới liên ngành CA, tòa án, viện kiểm sát (qui định này về chấp hành hình phạt tù với những phụ nữ có thai hoặc nuôi con 36 tháng tuổi tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm thì vẫn phải chấp hành án tù), nên thị vẫn bị bắt và hiện đang thi hành án tại trại Ninh Khánh.

Từ khi có qui định này, những phụ nữ buôn bán ma túy đã không còn lợi dụng để đẻ con liên miên tránh tù nữa, nhưng chúng vẫn tận dụng triệt để thời gian được tại ngoại để “hoạt động” mãnh liệt hơn hòng kiếm thật nhiều tiền trước khi bị... vào trại.

Những “bà mẹ bán ma túy” chủ yếu là bán lẻ, chứ không tham gia đường dây buôn ma túy lớn. Một phần không có sức khỏe, một phần không có điều kiện đi, vì dù sao vẫn còn phải trông nom con. Tuy nhiên, cũng có những kẻ đang tâm để mặc con mình.

Đó là trường hợp của Vũ Thị Hường (ở tổ 10, phường Quang Trung). Hường đã có 2 tiền án về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy nên luôn dùng con để thoát tội. Bị chồng ruồng bỏ, Hường lập tức kiếm đứa con ngoài giá thú để rồi vừa mang thai vừa buôn ma túy. Khi cháu bé 6 tháng tuổi, Hường đã trút nợ cho ông nội để rảnh tay bán ma túy trong khi danh nghĩa, Hường vẫn nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nên không thể bắt thi hành án.

Danh sách những “bà mẹ bất đắc dĩ” này còn dài thêm bởi những cái tên như: Nguyễn Thị Thúy (ở tổ 4, Kỳ Bá), Ngô Thị Hà (tổ 39, Quang Trung), Phạm Thị Hương (tổ 16, Tiền Phong), Nguyễn Thị Thảo (xóm 3, Hoàng Diệu)...

BẤT HẠNH TỪ TRONG BỤNG MẸ

Mặc dù đa số bà mẹ trong bài viết này vẫn còn trong người tình mẫu tử, nhưng những đứa trẻ thì bất hạnh ngay từ lúc sinh ra. Chúng ra đời để phục vụ lợi ích của mẹ mình. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, bố mẹ mải mê kiếm tiền, ngay sau đó “vô khám” nên con phải theo vào tù, hoặc bơ vơ khi chúng chỉ đang như “búp trên cành”.
Quyết định hoãn thi hành án phạt tù do nuôi con nhỏ của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đối với Phan Thị Út.

Một bản hoãn thi hành án của tòa án tỉnh
Năm 2002, Võ Thị Hiên (ở phường Kỳ Bá) bị bắt lần đầu tiên vì tội buôn bán trái phép chất ma túy khi đang nuôi con nhỏ nên được hoãn thi hành án. Năm 2005, bị bắt lần 2 nhưng lúc này thị đang mang thai đứa con thứ 2 nên vẫn được tại ngoại. Lần thứ 3 bị bắt thì “nuôi con nhỏ” cũng đã không cứu được nữa bởi thị thuộc dạng tái phạm nguy hiểm. Hai con của Hiên, dù mới chỉ vài tuổi nhưng đã phải theo mẹ vào nhà lao Ninh Khánh (Ninh Bình).

Ông Hà Công Ấn, Phó bí thư chi bộ phường Lê Hồng Phong, thở dài khi chúng tôi nhắc đến gia cảnh Nguyễn Thị Lan (tổ 21) trong phường. Bị bắt vì mua bán ma túy, nhưng Lan được tại ngoại bởi đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng tranh thủ tự do, hai vợ chồng lại ráo riết buôn bán “làm những mẻ cuối” nên đã bị bắt lần 2. Cả vợ lẫn chồng giờ đã vào tù, để 3 đứa con trai Trần Văn Đức (18 tuổi), Trần Văn Lâm (12 tuổi) và Trần Văn Đạt (4 tuổi) cho bà ngoại Nguyễn Thị Còng nuôi.

Đập vào mắt chúng tôi khi đến nhà bà Còng là cháu Đạt với khuôn mặt buồn bã đang ngồi chơi một mình bên trong cái thùng xốp, hỏi gì cũng không nói. Xung quanh là quần áo, đồ đạc vứt tứ tung, khắp nơi lấm lem màu đen than tổ ong. Do ít được tắm rửa nên mặt mũi cháu nhọ nhem, áo quần bẩn thỉu. Bà Còng thì đang nấu cơm. “Món trưa có gì đấy ạ?” - tôi hỏi. Bà bảo: “Chỉ mỗi rau muống thôi, có tiền đâu mà ăn”.

Từ khi bố mẹ vào tù, hai cháu còn nhỏ sống nhờ vào nghề ăn xin của bà và tấm lòng hảo tâm của mọi người. Cháu lớn tên Đức thì đã thôi học từ lớp 6, bỏ nhà lang bạt “đi đâu chẳng rõ”, chỉ biết cứ 2 - 3 tháng về một lần, thấy trong nhà có đồ gì bà mới sắm là xách đi bán kiếm tiền. Có lần, hắn còn dẫn cả bạn gái về, hai đứa sống trong nhà mấy ngày liền. Người mẹ bị tù 19 năm, mới thụ án được 4 năm; còn người bố thì tháng 12 này ra trại, nhưng chả hy vọng gì ở ông bố này.

Cháu Lâm cũng bỏ học 2 năm, năm nay nhờ sự vận động của tổ dân phố đã đi học lại. “Noi gương” anh, Lâm cũng móc trộm tiền của bà khi thì 100, khi 200 nghìn để ăn quà vặt.

Đáng thương nhất là cháu Đạt. Hàng ngày, nếu không đi ăn xin với bà thì lếch thếch chơi một mình... khắp thành phố, và ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi cháu lớn lên? Nếu người dân trong tổ bắt gặp sẽ “áp tải” cháu đi học ở Nhà Chung bên cạnh, còn không cháu cứ im lìm đi chơi, khi nào bẩn quá thì hàng xóm sẽ tắm rửa cho.

Điều đáng nói là tổ dân phố đã nhiều lần đề nghị đưa 2 cháu vào trại tế bần của huyện Vũ Thư, không ít cá nhân đề đạt nguyện vọng được nuôi 2 cháu cho đến khi mẹ chúng được thả ra, nhưng bà Còng lắc đầu với lý do “cháu tôi thì tôi nuôi”. Theo người dân nơi đây, bà giữ cháu lại bởi có cháu Đạt đi theo thì xin mới được nhiều tiền hơn mà thôi. Trước đây cháu giúp mẹ, giờ lại “giúp bà” chăng?

Vũ Thị Thúy (tổ 4, phường Kỳ Bá) bị phạt 36 tháng tù nhưng vì nuôi con nhỏ nên được tại ngoại. Thúy chưa kết hôn nhưng đã có 2 cháu Đỗ Phương Trinh (5 tuổi) và Đỗ Việt Anh (3 tuổi). Trong thời gian tại ngoại, Thúy vẫn quần là áo lượt đi đánh bài ngày đêm. Chồng hờ vốn cục tính đã đánh đập Thúy không thương tiếc.

Hai đứa con gần như không ai chăm sóc, sống vạ vật trong nhà. Lúc nào 2 cháu cũng buồn bã, ít nô đùa với trẻ con trong khu phố. Vừa rồi cháu Anh bị tiêu chảy, nhưng do không chữa dứt điểm nên kéo dài tới 7 tháng liền. Khi chính quyền quan tâm đến 2 cháu nhỏ còn bị bà mẹ chua ngoa này chửi bới.

Rời Thái Bình, tôi bị ám ảnh bởi lời một vị làm công tác phòng chống ma túy lâu năm: “Nếu mẹ buôn ma túy, gần như chắc chắn con sẽ hư hỏng, nhất là những đứa trẻ sinh ra để mẹ trốn án tù”. Cái gọi là “luật nhân quả” là đây chăng, nhưng nghe sao quá nghiệt ngã... Tương lai nào đang chờ những đứa trẻ vô tội?

Sunday 7 August 2011

Đi vào cõi điên tập 2

Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh những thân người đen đúa, lầm lụi đi lại trong sân, có người thi thoảng lại hét toáng lên, có người nằm xoài ra giữa sân phơi nắng tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần có công (xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Họ là những người bị gọi bằng một cái danh từ chung: “người điên”.




Friday 5 August 2011

Vì sao tạm dừng thi công Trung tâm điện lực Thái Bình?


Hơn 4 tháng nay, việc san lấp mặt bằng Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình (tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) rơi vào tình cảnh giậm chân tại chỗ do người dân ngăn cản đơn vị thi công, vì cho rằng mức đền bù, hỗ trợ ruộng đất bị thu hồi của xã chưa thoả đáng.

“Treo” thi công hơn 4 tháng

Những ngày này, tại nơi dự kiến sẽ mọc lên Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, chỉ là khung cảnh vắng lặng, không có bóng dáng của công nhân thi công; máy móc trên công trường không hoạt động. Duy còn hạng mục đường vào trung tâm vẫn đang được xây dựng. Dự kiến, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được khởi công xây dựng trước (vào tháng 5.2010). Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 8.2010, nhà máy vẫn chưa thể khởi công như dự kiến.

Theo báo cáo của Sở Công Thương ngày 18.6.2010, thì tổng khối lượng thi công san lấp mặt bằng 2 nhà máy đã đạt gần 4 triệu mét khối, trong đó mặt bằng nhà máy 1 đã thực hiện được gần 98% kế hoạch; mặt bằng nhà máy 2 đã đạt 64,61% kế hoạch. Như vậy, khối lượng công việc của hạng mục san lấp mặt bằng trung tâm đã đạt khoảng 80% kế hoạch. Từ ngày 16.4.2010, một số người dân xã Mỹ Lộc ra cản trở thi công trên công trường, khiến hạng mục san lấp mặt bằng phải dừng lại. Ngày 20.5.2010, khi tiến hành khoan thăm dò khảo sát địa chất trên công trường, một số người dân xã Mỹ Lộc lại kéo ra ngăn cản.

Nguyên nhân khiến người dân Mỹ Lộc ngăn cản thi công là bởi họ cho rằng mức đền bù, hỗ trợ ruộng đất bị thu hồi là chưa thoả đáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng nửa đầu năm 2009, chính quyền tiến hành công bố, đưa ra mức giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất tại xã Mỹ Lộc. Mức giá bồi thường mà tỉnh Thái Bình áp dụng khi thu hồi đất xây dựng dự án là 36.000 đồng/m2. Tổng cộng cả bồi thường và hỗ trợ là 90.000 đồng/m2 đất thu hồi.

Được biết, toàn xã Mỹ Lộc có 6/7 thôn bị thu hồi đất, trong đó có 4/7 thôn mất 100% diện tích hai lúa; 2/7 thôn mất 50% diện tích đất hai lúa.

Một số người dân xã Mỹ Lộc cho rằng, mức trên là chưa công bằng, bởi người dân xã Thái Thọ bên cạnh bị thu hồi đất (để làm hạng mục đường vào trung tâm) với tỉ lệ ít hơn nhiều, không mất từ 50-100% đất như người dân xã Mỹ Lộc) mà vẫn được trả là 90.000 đồng/m2(?!). Được biết, người dân xã Mỹ Lộc nhận tiền chi trả ở đợt trước so với xã Thái Thọ. Người dân xã Mỹ Lộc kiến nghị phải tách hỗ trợ riêng, không được tính vào giá đền bù đất; và trả tiền đền bù đất theo mức 90.000 đồng/m2.

Vận động dân nhận thêm tiền hỗ trợ

Trả lời những thắc mắc của người dân, Giám đốc Sở Công Thương Đào Minh Hải – Tổ trưởng Tổ Công tác KH 25 của UBND tỉnh trong văn bản trả lời dân cho biết, Nhà nước bồi thường là theo mức giá bồi thường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3705/QĐ- UBND ngày 31.12.2008 (về mức giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình). Về mức hỗ trợ, ngoài những hỗ trợ theo chính sách chung của tỉnh áp dụng như các địa phương khác, nhân dân xã Mỹ Lộc còn có những khoản hỗ trợ khác (như thưởng tiến độ, hỗ trợ lương thực…), nên cả tiền hỗ trợ và bồi thường là 90.000 đồng/m2. “Không thể tách hỗ trợ riêng và không có căn cứ để bồi thường 90.000 đồng/m2”- văn bản trả lời dân khẳng định.

Văn bản này cũng lý giải: “Đường vào trung tâm điện lực cũng là một hạng mục của dự án, nên UBND tỉnh quyết định bồi thường và hỗ trợ (thu hồi đất tại xã Thái Thọ- PV) tương tự như Mỹ Lộc: 90.000 đồng/m2”. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy thoả đáng với trả lời trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, tỉnh đã có chủ trương tăng thêm 12.000đ/m2 tiền hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất của xã Mỹ Lộc. Như vậy, tiền bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất tại xã Mỹ Lộc từ 90.000 đ/m2 sẽ tăng lên 102.000 đ/m2.

Ngày 29.8, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Nguyễn Trọng Khiêm cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân bị thu hồi đất ở xã Mỹ Lộc nhận thêm tiền hỗ trợ (tức 12.000 đ/m2); nếu được thì sẽ tiếp tục tiến hành thi công vào ngày 5.9”.

Nhiều người dân xã Mỹ Lộc cho biết: “100% người dân trong xã nhất trí hoan nghênh cao (về chủ trương thực hiện dự án nhiệt điện này)”. Như vậy, vấn đề nằm ở tiền hỗ trợ, đền bù đất bị thu hồi cho người dân. Chính quyền và người dân cần tìm ra phương án đạt được sự hài hoà giữa các bên, để tiến độ dự án không bị ảnh hưởng, tránh mất an ninh, trật tự tại địa phương và thiệt hại cho chủ đầu tư.
Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình được khởi công san lấp mặt bằng vào tháng 5.2009, có quy mô công suất 1.800MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD, tổng diện tích 254ha. Dự án gồm 2 nhà máy nhiệt điện đốt than: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, chủ đầu tư là Tổng Cty Điện lực VN (EVN) với 2 tổ máy phát điện, công suất mỗi tổ 300MW; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chủ đầu tư là Tổng Cty Điện lực dầu khí VN (PV Power) gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 1.200MW. PV Power cũng được cho phép đầu tư các hạng mục hạ tầng dùng chung tại trung tâm này. Với tổng công suất trên, 2 nhà máy sẽ cung cấp một lượng điện năng rất lớn cho Thái Bình và các tỉnh lân cận; đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã  hội của tỉnh.

Cát tặc hoành hành


(LĐ) - Vài tháng trở lại đây, không kể ngày đêm, hàng đoàn tàu hút cát lậu ngang nhiên "rút ruột" lòng sông Trà Lý tại vụng Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương).
Ngày cao điểm, có tới hơn mười tàu, có tàu công suất lên tới 400-500m3 "bâu" đen đoạn sông được coi là xung yếu nhất của đê Trà Lý. Cơ quan chức năng có ra quân, xử phạt, nhưng đâu vẫn hoàn đấy!
“Khoét” dưới chân đê!
Sáng 30.12, có mặt tại vụng Đồng Xâm, chúng tôi đếm được 5 chiếc tàu đang hút cát. Mỗi tàu đều có 5-6 ống hút như những vòi bạch tuộc chui xuống lòng sông. Trên bờ, một đống cát cao lừng lững tại nơi vốn trước kia là ruộng, do hoạt động khai thác cát mà bị hoang hóa. Đường làng chốc chốc lại xuất hiện xe tải chở cát quần thảo.
Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng hơn 10 năm, bãi cát này bắt đầu được khai thác bởi ông Nguyễn Viết Hỗ - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Thái. Sau đó, mỏ cát ở vụng này được khai thác liên tục, lúc nào cũng có ít nhất 2-3 tàu đến hút cát.
Các cơ quan chức năng đều nhận định: Từ khi DA Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) đi vào san lấp mặt bằng (khoảng tháng 5.2009) thì hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp hơn. DA gồm 2 nhà máy: NM nhiệt điện Thái Bình 1 và NM nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh, cần tới 5 triệu mét khối cát để san lấp cho 254,2ha nền đất DA này. Như vậy, hoạt động hút cát lậu sẽ ráo riết hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn.
“Trước kia, chỉ có 1-2 tàu, mỗi tàu 40-50m3, nhưng 6-7 tháng trở lại đây, có ngày 5-6 tàu, cật lực khai thác” – Phó Chủ tịch xã Hồng Thái Vũ Danh Phương cho biết. Nhiều tàu từ Thái Thụy, Tiền Hải, hay tỉnh ngoài như Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình... cũng tụ hội về đây.

Bí thư chi bộ thôn Nam Hòa (Hồng Thái) Nguyễn Anh Tuấn không giấu nổi bức xúc: “Đê Trà Lý thuộc đê biển số 6, xung yếu nhất là vụng kè Đồng Xâm. Dòng sông đến đây bị bẻ cong, nên đoạn đê này thường xuyên bị dòng nước tác động. Chính vì vậy, từ thời Pháp thuộc, đoạn đê này đã luôn phải bỏ đá làm kè. Bây giờ, Nhà nước cũng đã xây kè với số tiền đầu tư hàng tỉ đồng. Chúng tôi lo lắm, bởi khi hút, họ phải hút cát dưới địa tầng, có chỗ sâu tới 30 mét. Mà hút nhiều thì sẽ có lúc bị hết, sông rỗng ruột thì đê phải “hụp chân” xuống”.
Với tốc độ hút cát như hiện nay thì nỗi lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Nếu vỡ đê, không phải nói ai cũng biết, hậu quả thật khôn lường!  Được biết, ngoài vụng Đồng Xâm, thì hai xã Đông Trà, Đông Hải (Tiền Hải) cũng là điểm nóng về khai thác cát lậu.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Ông Vũ Danh Phương cho hay: “Đã có biển “cấm khai thác” do tỉnh cắm, các tàu vẫn phớt lờ. Xã không đủ chức năng, quyền hạn để làm. Sông Trà Lý thuộc địa phận của 2 huyện Kiến Xương, Thái Thụy. Tàu cứ ra giữa sông, thả ống xuống hút. Khi có lực lượng đến kiểm tra thì... sang nửa sông  bên kia thuộc huyện Thái Thụy”. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, nhưng chỉ “yên” được một tuần, sau đó lại...đâu vào đấy.
Trưởng phòng TNMT huyện Kiến Xương Nguyễn Mạnh Lực cho biết: “Trước đó, khai thác cát nhỏ lẻ, không thấy ảnh hưởng gì nên chưa quản lý, và phòng cũng... chưa vươn tới được vì mới tiếp quản lĩnh vực này”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Phạm Đăng Hải cho hay: Cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chưa có chức năng tạm giữ phương tiện, nên công tác xử lý rất khó khăn. Nhiều lần bắt được các trường hợp vi phạm phải chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở TNMT để xử lý.
Trong năm 2009, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức 5 đợt kiểm tra việc khai thác cát trên sông Trà Lý, phát hiện 21 phương tiện khai thác cát không có giấy tờ, lập biên bản và quyết định xử phạt 9 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt là 95 triệu đồng. Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh cũng chủ động tuần tra kiểm soát, tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các tàu, lập biên bản vi phạm 3 tàu hút cát, chuyển Thanh tra Sở TNMT xử lý.