Friday, 5 August 2011

Cát tặc hoành hành


(LĐ) - Vài tháng trở lại đây, không kể ngày đêm, hàng đoàn tàu hút cát lậu ngang nhiên "rút ruột" lòng sông Trà Lý tại vụng Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương).
Ngày cao điểm, có tới hơn mười tàu, có tàu công suất lên tới 400-500m3 "bâu" đen đoạn sông được coi là xung yếu nhất của đê Trà Lý. Cơ quan chức năng có ra quân, xử phạt, nhưng đâu vẫn hoàn đấy!
“Khoét” dưới chân đê!
Sáng 30.12, có mặt tại vụng Đồng Xâm, chúng tôi đếm được 5 chiếc tàu đang hút cát. Mỗi tàu đều có 5-6 ống hút như những vòi bạch tuộc chui xuống lòng sông. Trên bờ, một đống cát cao lừng lững tại nơi vốn trước kia là ruộng, do hoạt động khai thác cát mà bị hoang hóa. Đường làng chốc chốc lại xuất hiện xe tải chở cát quần thảo.
Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng hơn 10 năm, bãi cát này bắt đầu được khai thác bởi ông Nguyễn Viết Hỗ - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Thái. Sau đó, mỏ cát ở vụng này được khai thác liên tục, lúc nào cũng có ít nhất 2-3 tàu đến hút cát.
Các cơ quan chức năng đều nhận định: Từ khi DA Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) đi vào san lấp mặt bằng (khoảng tháng 5.2009) thì hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp hơn. DA gồm 2 nhà máy: NM nhiệt điện Thái Bình 1 và NM nhiệt điện Thái Bình 2.
Theo Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh, cần tới 5 triệu mét khối cát để san lấp cho 254,2ha nền đất DA này. Như vậy, hoạt động hút cát lậu sẽ ráo riết hơn nếu không có biện pháp ngăn chặn.
“Trước kia, chỉ có 1-2 tàu, mỗi tàu 40-50m3, nhưng 6-7 tháng trở lại đây, có ngày 5-6 tàu, cật lực khai thác” – Phó Chủ tịch xã Hồng Thái Vũ Danh Phương cho biết. Nhiều tàu từ Thái Thụy, Tiền Hải, hay tỉnh ngoài như Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình... cũng tụ hội về đây.

Bí thư chi bộ thôn Nam Hòa (Hồng Thái) Nguyễn Anh Tuấn không giấu nổi bức xúc: “Đê Trà Lý thuộc đê biển số 6, xung yếu nhất là vụng kè Đồng Xâm. Dòng sông đến đây bị bẻ cong, nên đoạn đê này thường xuyên bị dòng nước tác động. Chính vì vậy, từ thời Pháp thuộc, đoạn đê này đã luôn phải bỏ đá làm kè. Bây giờ, Nhà nước cũng đã xây kè với số tiền đầu tư hàng tỉ đồng. Chúng tôi lo lắm, bởi khi hút, họ phải hút cát dưới địa tầng, có chỗ sâu tới 30 mét. Mà hút nhiều thì sẽ có lúc bị hết, sông rỗng ruột thì đê phải “hụp chân” xuống”.
Với tốc độ hút cát như hiện nay thì nỗi lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Nếu vỡ đê, không phải nói ai cũng biết, hậu quả thật khôn lường!  Được biết, ngoài vụng Đồng Xâm, thì hai xã Đông Trà, Đông Hải (Tiền Hải) cũng là điểm nóng về khai thác cát lậu.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Ông Vũ Danh Phương cho hay: “Đã có biển “cấm khai thác” do tỉnh cắm, các tàu vẫn phớt lờ. Xã không đủ chức năng, quyền hạn để làm. Sông Trà Lý thuộc địa phận của 2 huyện Kiến Xương, Thái Thụy. Tàu cứ ra giữa sông, thả ống xuống hút. Khi có lực lượng đến kiểm tra thì... sang nửa sông  bên kia thuộc huyện Thái Thụy”. Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, nhưng chỉ “yên” được một tuần, sau đó lại...đâu vào đấy.
Trưởng phòng TNMT huyện Kiến Xương Nguyễn Mạnh Lực cho biết: “Trước đó, khai thác cát nhỏ lẻ, không thấy ảnh hưởng gì nên chưa quản lý, và phòng cũng... chưa vươn tới được vì mới tiếp quản lĩnh vực này”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Phạm Đăng Hải cho hay: Cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chưa có chức năng tạm giữ phương tiện, nên công tác xử lý rất khó khăn. Nhiều lần bắt được các trường hợp vi phạm phải chuyển hồ sơ sang Thanh tra Sở TNMT để xử lý.
Trong năm 2009, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tổ chức 5 đợt kiểm tra việc khai thác cát trên sông Trà Lý, phát hiện 21 phương tiện khai thác cát không có giấy tờ, lập biên bản và quyết định xử phạt 9 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt là 95 triệu đồng. Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh cũng chủ động tuần tra kiểm soát, tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các tàu, lập biên bản vi phạm 3 tàu hút cát, chuyển Thanh tra Sở TNMT xử lý.

No comments:

Post a Comment