Monday, 1 August 2011

NHỮNG ĐÁM CƯỚI KỲ LẠ NHẤT VIỆT NAM


“Các anh mà đến hôm mồng 2 và 16 (âm) thì sẽ thấy cả Thị trấn quay cuồng với…đám cưới. Chả là, tháng nào cũng vậy, Thị trấn chỉ cho phép cưới trong 2 ngày đấy thôi. Đã vậy, cả đời con gái chúng em chỉ có mỗi ngày được xúng xính trong bộ áo cưới thế mà xã cũng cấm tiệt, chỉ được phép mặc áo dài tân thời”- chị Thu Hà (Thị trấn (TT) Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) thở dài đánh thượt, nói.
          Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt liên quan đến đám cưới tại thị trấn này bắt nguồn từ nghị quyết 27/03 được Hội đồng nhân dân TT năm 1996 của chính quyền địa phương.
Việc trăm năm dồn lại…2 ngày
Thị trấn Yên Lạc ồn ào, hối hả trong âm thanh đục, cưa gỗ, trong tiếng mặc cả mua bán của cuộc mưu sinh đầy năng động. Thế nhưng, vào ngày 2 và 16 (âm) hàng tháng, không ai bảo ai, các xưởng gỗ cửa đóng im ỉm; chợ búa xơ xác, đìu hiu, không một bóng người. Cả làng rùng rùng đi…dự đám cưới. “Chúng tôi gọi đó là những ngày hội của làng- ngày hội cưới”- ông Duyên, người dân trong làng hóm hỉnh nói.
Những người già muốn xem ngày tốt, ngày xấu thì cũng chỉ để xem để cho…vui, bởi chỉ 2 ngày trên mới được phép tổ chức cưới. Xã sẽ không cho phép bất kỳ một trường hợp ngoại lệ nào. Chỉ có vào mùa cưới tháng 10,11 cuối năm, xã rộng rãi cho 2 ngày nữa là ngày 10 và 22. 
 Chính vì vậy mà các đám cưới dồn cục vào 2 ngày, nhà nhà tổ chức đám cưới, người người đi…dự đám cưới. Kỷ lục của xã là một ngày có tới…32 cái đám cưới, còn 6,7 đám cưới tổ chức trong cùng một ngày là chuyện…thường ngày. Chuyện chú rể đi đón dâu đụng nhau chan chát với cô dâu đám khác là chuyện không hiếm tại đây. Con đường làng rộng rãi là thế, ấy vậy mà vào 2 ngày này, trở nên tắc bởi người người qua lại náo nhiệt, xe máy, xe ôtô xếp dài hàng km. Cảnh ăn uống, chè chén diễn ra đến tận đêm. Có lẽ các ca sĩ cũng phải lắc đầu trước việc “chạy sô” đám cưới của dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Biên, thôn Vĩnh Đoài cho biết: “Có ngày tôi phải chạy sô mừng…8 đám cưới. Chén rượu chưa kịp ngấm xuống dạ dày, đã phải tất tả đi dự đám khác. Hồi đám cưới tôi, có đứa bạn đến, mặt đỏ gay, ngật ngưỡng dúi vội cái phong bì, bảo: “Mày thông cảm. tao phải đi đôi nơi nữa, không ăn được” rồi loạng quạng lên xe máy đi”. Anh Biên còn bảo: nai lưng ra hít bụi gỗ, một tháng chỉ được khoảng triệu đồng, thế mà một ngày đi tong 400.000đ kể xót quá. Bét nhất đám cưới bây giờ là phải 50.000đ rồi. Nhiều người chỉ đến đưa phong bì, còn ăn thì…chịu, bởi đã ăn một nơi rồi sao mà ăn được tiếp nữa. Một số bà vợ thì hân hoan, bởi ngày trước, đám cưới diễn ra suốt tháng thì việc đi uống rượu mừng chỉ có chồng, thì bây giờ, vì trùng nhau nên vợ cũng được hưởng chút cay cay chuếnh choáng.
Những nhà kinh doanh dịch vụ phông bạt, bát đĩa…phục vụ cho đám cưới chơi dài gần cả tháng, nhưng hai ngày trên thì vắt chân lên cổ mới phục vụ được các đám cưới. Cháy hàng bát đĩa, phông bạt. Có khi người dân cãi nhau vì tranh thuê bát đĩa. Nhiều nhà kinh doanh dịch vụ này phải cầu cứu xã lân cận để ứng cứu.
Bên cạnh việc hỉ, thì việc sang cát (cải mả) chỉ được thực hiện trong tháng 10,11 (âm), và cũng vào 2 ngày đó, nên có khi, nhà này thì hoan hỉ trong việc cưới xin, nhà kia thì lặng lẽ lo việc cải táng, khung cảnh thật trái ngược.
Lý giải cho nguyên nhân chỉ cho phép cưới vào 2 ngày, cho rằng, xã là làng nghề, nếu cho cưới tất cả các hôm, nhà nọ có việc thì nhà kia phải hoãn việc của nhà mình lại, tổ chức ngày hôm khác, thì người dân làng sẽ liên miên đi dự đám cưới, sẽ không làm ăn được gì. Chi bằng, cả làng dành ra 2 ngày để lo chuyện hỉ cả tháng rồi sau đó tập trung vào làm việc. Tổ chức nhiều đám cưới trong cùng một ngày cũng giúp cho người ở xa tốn ít thời gian, công sức hơn bởi về một lần nhưng vẫn có thể đến thăm hỏi tới nhiều đám cưới của bạn bè. Thế nhưng, cái hay thì ít, mà cái dở thì nhiều.
Áo cưới: Để ngắm chứ không mặc
Cửa hàng cho thuê áo cưới của chị Thu Hương hầu như chỉ có áo tân thời, chỉ có 1,2 chiếc váy. “Nếu cho thuê váy cưới thì mới kiếm thêm đồng ra đồng vào, chứ cho thuê áo dài thì chỉ lấy được công trang điểm thôi”- chị nói. Một chiếc váy cưới có giá thuê ít nhất là 500.000đ, trong khi đó, giá thuê áo dài chỉ khoảng 250.000đ. Biết sao được khi cửa hàng của chị lại đặt ở thị trấn Yên Lạc, nơi mà nếu cô dâu lấy người trong xã hoặc con gái nơi khác làm phận dâu nơi đây thì không được mặc váy trong lễ cưới, đám cưới không có nhạc sống, không được chơi đàn, trống, không được có đèn nhấp nháy, đèn mờ…(còn con gái lấy chồng nơi khác thì…vô tư). Nếu vi phạm, gia đình sẽ bị “nêu gương” một tuần lễ trên đài truyền thanh xã và mất 500.000đ tiền đặt cọc sẽ bị xung vào công quĩ. Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ cửa hàng cho thuê váy cưới, chụp ảnh đám cưới thì cho biết: “Cửa hàng chủ yếu phục vụ các cô dâu từ các xã lân cận thôi. Còn các cô dâu trong xã đến chỉ là để chụp ảnh”.
Anh Biên, người trong xã kể: “Vợ tôi ở xã khác, trước đám cưới xúng xa xúng xính định mặc váy. Nhưng tôi bảo xã anh không cho mặc váy, vợ tôi mặt úi xụi, thốt lên: “Xã anh thật là…kỳ lạ”. Chú rể vẫn được mặc comple (đáng lẽ phải là áo dài, khăn xếp thì mới “hợp tông”, nhưng cô dâu chỉ được mặc áo tân thời, cho nên, trông thật…khập khiễng). Một vị lãnh đạo TT khẳng định: ở chỗ khác thì mặc nhưng đã vào địa phận xã là không được mặc váy. Lại còn cái khoản cổng đám cưới, chỉ trang điểm đèn nhấp nháy cũng không cho, nên cổng vu qui tại xã bao giờ cũng rất…chân phương, chẳng khác gì mấy so với ngày thường nếu không có chữ song hỉ ở hai bên. Đám cưới diễn ra rất đơn giản, cực kỳ nhanh gọn, như…thời chiến. Trước đây, khi hệ thống điện còn thuộc quản lý của UBND Thị trấn, hình phạt cho đám cưới nào vi phạm còn là…cúp điện nhà ấy đến một tuần. Chị Phạm Thị Hậu, thôn Đoài, kể lại: Hồi đó chị ương bướng, lại thích điệu một chút, cố tình mặc áo dài, vậy là bị xã cắt điện cái rụp và ra rả réo tên trên đài.
Để “lách luật” nhiều cô dâu nghĩ ra đủ mọi trò để có thể được…mặc váy. Cô từ nơi khác làm dâu của làng thì mặc váy rõ xinh, chỉ khi đến địa phận của TT thì lùng sục tìm nơi kín đáo, nhờ bạn gái quây lại để…thay váy, hoặc “ve sầu thoát xác” ngay trên…ôtô. Cô thì về nhà mới mặc váy nhưng chỉ dám “hoạt động ngầm” ở trong nhà, không dám ra ngoài tiếp khách nếu không muốn bị phát hiện. Cá biệt, có những cô “đầu gấu”, chấp nhận bị mất 500.000đ, tên bị réo ra rả trên xã chỉ để ngày cưới được mặc váy về nhà chồng.
Theo lý giải từ UB, thì việc cấm trên là để chống lãng phí, đảm bảo trật tự, an ninh. Cũng phải nói rằng, việc cấm hút thuốc lá, cấm uống rượu say (mỗi mâm chỉ được phép có 1 chai rượu) là rất tích cực, thế nhưng việc cấm mặc váy, cấm nhạc sống, đèn nhấp nháy thì cần phải xem xét lại. Để được xã cho phép tổ chức đám cưới, đôi uyên ương phải nộp đơn trước đó khoảng 1 tuần, xã sẽ mời hai bên gia đình lên để cùng nhau ký vào bản cam kết không vi phạm những điều cấm kỵ. Cô dâu, chú rể phải đặt cược cho xã 500.000đ.
Theo một chủ cửa hàng cho thuê áo váy cưới trong xã thì chưa chắc áo dài tân thời đã rẻ hơn so với váy cưới. Có chiếc áo dài đẹp phải thuê giá đến hàng triệu đồng, trong khi đó, giá một cái váy cưới nhiều chiếc thuê chỉ khoảng 500-800.000đ.
Bà Phạm Thị Thành, người dân trong xã cho rằng: Ngày trước, dịch vụ cho thuê váy cưới ít, giá thành cao, lên đến 2 triệu đồng/cái, trong khi đó, dân còn nghèo thì việc cấm là hợp lý. Thế nhưng, sau này, đời sống người dân khấm khá lên, có của ăn của để, dịch vụ lại phát triển như nấm sau mưa, giá rẻ bất ngờ, thì việc cấm là không hợp lý nữa. Được biết, chỉ lại nhà thôi mà  người ta đã hạ hàng tạ thịt chó để đánh chén, thì chống lãng phí cái gì bây giờ? Đặt bên cạnh việc xả hàng tạ thịt chó với việc tiết kiệm chút tiền nhờ mặc áo tân thời thì thật…buồn cười.
Tại sao việc cấm này diễn ra đã lâu, trong khi đa số người dân, nhất là thanh niên, không đồng tình vậy mà đã tồn tại được 12 năm? Theo tìm hiểu, người dân ở đây không làm ruộng, chỉ muốn tập trung vào việc làm ăn, không muốn gây rắc rối, nên chấp nhận. Vả lại, việc này đã bao nhiêu năm rồi, nó dường như đã trở thành nếp nghĩ có sẵn, mọi người thực hiện được thì chẳng lẽ mình không thực hiện được. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân tế nhị như mới về nhà chồng mà bị “réo” tên ra rả trên đài thì kể cũng…dông.
Chị Thu Hà, người dân trong xã cho rằng: “Quan trọng là việc xây dựng ứng xử với nhau giữa mọi người, chứ việc cấm váy cưới, cấm đèn nhấp nháy là hơi hà khắc. Đời sống người dân đã có của ăn của để rồi, vả lại, trăm năm mới có một ngày, thì cũng phải để người ta vui vẻ chút chứ”.
Rời Thị trấn Yên Lạc, mấy cô gái mới lớn tinh nghịch nói với theo: “Các anh ơi, các anh viết bài làm sao để cho chúng em được…mặc váy với nhé”. Chúng tôi bỗng thấy tủi thân thay cho những cô dâu tương lai của thị trấn, cái điều hiển nhiên ở những nơi khác lại là điều xa vời ở nơi đây. Thôi, trước mắt, nếu muốn mặc váy, thì có lẽ các cô đành chịu khó…kén chồng ở nơi khác vậy (?!).  

No comments:

Post a Comment