Tôi đồ rằng, trên suốt dải đất hình chữ S này, có lẽ không vùng quê nào có nhiều người dân sở hữu xe… taxi riêng như ở cái xã thuần nông Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định này. “Dân xã tôi đã tậu hơn 200 chiếc rồi đó!”- ông Phó Chủ tịch xã Thọ Nghiệp Nguyễn Văn Chưởng nói mà pha lẫn vẻ tự hào. Tôi lắc đầu, lè lưỡi, rồi nhẩm tính nhanh rằng với số xe ấy, thì các “bác tài” của cái xã chiêm trũng này phải lên tới con số 300-400! Thế nên, tôi có thể mường tượng ra cái cảnh ông Chưởng kể, rằng vào các ngày lễ, tết, xe taxi “lổm ngổm bò” trong làng như… bọ hung, bỗng chốc đường xá tắc tị như phố thị! Còn vào những ngày thường, thì những chiếc xe đó đang rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để kiếm những đồng tiền mặn chát mồ hôi…
Nhà nhà lái taxi, người người lái taxi
Ngồi trong phòng của vị Phó chủ tịch xã, khi tôi ngỏ ý nhờ ông Chưởng giới thiệu một vài nhà có người lái taxi để hỏi chuyện, thì bất ngờ ông… chỉ ngay một chị ngồi đối diện: “Đấy, chị ấy có chồng đi “xế” taxi trên Hà Nội, chú có hỏi thì hỏi ngay ở đây cho… tiện”. Chị tên là Trương Thị Tuyết, kế toán viên của xã, chồng là anh Phạm Văn Sơn, ngụ tại xóm 21. Hai anh chị lấy nhau năm 2006, khi đó chồng chị làm nghề chạy xe ôm trên Hà Nội. Một năm sau, anh chuyển sang nghề lái xe taxi tại Cty taxi Vân An. Chẳng biết thu nhập từ nghề lái xe taxi của anh là bao nhiêu, nhưng chị tiết lộ nguồn thu chủ yếu là từ anh và cặp vợ chồng trẻ đang xây một ngôi nhà khá hoành tráng trong làng.
Chị Tuyết vừa cười vừa nói: “Nhà em “vớ vẩn”, anh hỏi làm gì. Anh phải hỏi những nhà sở hữu 2,3 chiếc xe taxi, cả vợ chồng, con cái cùng làm nghề “người vận chuyển” này cơ. Xã em không thiếu những trường hợp ấy”.
Theo lời mách nước của chị Tuyết, tôi tìm đến nhà anh Phạm Văn Sánh- vợ là Phạm Thị Nhài ở xóm 18. Căn nhà khá khang trang, nhưng kín cổng cao tường, vắng lặng không người ở. Lân la hỏi chuyện, một người họ hàng của anh Sánh cho tôi biết: “Vợ chồng nó cùng với 4 đứa con đã kéo lên Hà Nội thuê nhà sống rồi, thi thoảng có việc này việc nọ, lễ tết thì gia đình mới “đánh” taxi tự về thôi”. Anh chị “dùng” chung một xe, anh “xế” đêm, chị lái ngày; còn 2 anh con trai lớn thì cùng “dùng” một xe khác.
Xóm 18 được coi là “có số má” của xã về số lượng người đi làm nghề lái xe taxi. Ông Phạm Văn Tự, trưởng xóm nhẩm tính rồi cho tôi hay: “Có đến 70% trên tổng số 190 gia đình trong xóm có người làm nghề lái xe taxi. Trong xóm, có đến 5 gia đình cả vợ, chồng là “đồng nghiệp” của cái nghề bám mặt đường này”. Ngay con trai ông Tự- anh Phan Văn Thiện, cùng vợ là chị Vui cũng làm nghề lái xe taxi, và rồi “bầu đoàn thê tử” đã kéo nhau lên Hà Nội thuê nhà để sống. “Khổ vậy đấy, ở quê có nhà thì không ở, phải đi thuê đắt đỏ trên Hà Nội” -ông thở dài. Có lẽ niềm an ủi nhỏ nhoi đối với ông là dù sao thì gia đình chúng nó vẫn được đoàn tụ; rồi ngày lễ, tết, cả gia đình nó đánh hẳn xe taxi về, cũng vui đáo để!
Xóm 18 được coi là “có số má” của xã về số lượng người đi làm nghề lái xe taxi. Ông Phạm Văn Tự, trưởng xóm nhẩm tính rồi cho tôi hay: “Có đến 70% trên tổng số 190 gia đình trong xóm có người làm nghề lái xe taxi. Trong xóm, có đến 5 gia đình cả vợ, chồng là “đồng nghiệp” của cái nghề bám mặt đường này”. Ngay con trai ông Tự- anh Phan Văn Thiện, cùng vợ là chị Vui cũng làm nghề lái xe taxi, và rồi “bầu đoàn thê tử” đã kéo nhau lên Hà Nội thuê nhà để sống. “Khổ vậy đấy, ở quê có nhà thì không ở, phải đi thuê đắt đỏ trên Hà Nội” -ông thở dài. Có lẽ niềm an ủi nhỏ nhoi đối với ông là dù sao thì gia đình chúng nó vẫn được đoàn tụ; rồi ngày lễ, tết, cả gia đình nó đánh hẳn xe taxi về, cũng vui đáo để!
Không ít phận liễu yếu đào tơ vì miếng cơm manh áo của gia đình đã theo chồng lên Hà Nội làm cái nghề tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông này. Tính tổng toàn xã, có đến hơn 30 “gia đình taxi”, vợ chồng dắt tay nhau nào ta cùng lái taxi như thế.
“Truyền thống vận tải”
Trước khi tìm xuống xã Thọ Nghiệp, tôi cứ băn khoăn một điều tại sao dân xã này lại là những người tiên phong lái xe taxi ở Hà Nội, và tại sao xã lại có đông người làm nghề này đến thế. Ông Chưởng giải thích cho tôi: Từ trước, xã Thọ Nghiệp vốn đã đất chật, người đông, cuộc sống chủ yếu nhìn vào hạt lúa, củ khoai nên rất khó khăn. Thế nên, ngay từ thời thuộc Pháp, rất đông người dân trong làng đã ly hương đổ lên Hà Nội làm nghề lái xe xích lô. “Truyền thống vận tải” của người dân manh nha từ đó.
Thế rồi, cách đây khoảng hơn 10 năm, nghề xích lô gặp nhiều khó khăn, nên nhiều người đã phải chuyển sang… xe ôm. Rồi cái nghề xe ôm cũng nhì nhằng được vài năm, những cái đầu nhanh nhạy của người dân Thọ Nghiệp nghĩ đến “nâng cấp” lên lái xe taxi. Qua những tháng ngày làm xích lô, xe ôm, nhiều người dân của xã đã nắm đường Hà Nội như lòng bàn tay mình. Mà cái nghề này, ăn nhau là ở cái thông thuộc đó. Vậy là, cách đây 5,6 năm, trong xã bắt đầu có “phong trào” chuyển sang lái xe taxi.
Một lái xe taxi trong xã, nay đã “rửa tay gác kiếm”, nhường lại chiếc xe taxi cho đứa con trai kiếm sống trên Hà Nội cho tôi biết: có 3 hình thức để vào nghề taxi. Một là làm thuê cho hãng taxi nào đó, tuy không cần nhiều vốn, nhưng thu nhập thì không được cao. Thứ nữa là mua xe riêng rồi góp
Cựu tài xế này tự hào: “Công nhận là người dân xã tôi có… gan. Nhiều nhà chẳng có tiền đâu, nhưng mượn cả sổ đỏ của anh em, họ hàng để vay tiền ngân hàng hàng trăm triệu đồng để mua xe taxi. Nhiều người mua xe nợ hàng trăm triệu đồng, rồi cả nhà nai lưng ra làm 3-4 năm năm mới trả góp hết được”.
Tôi gặp và hỏi nhiều người về mức thu nhập của nghề taxi, một câu hỏi tôi cũng tự thấy là hơi riêng tư, có lẽ người bị hỏi cũng nghĩ như vậy, nên họ thường ngượng ngùng nói lảng sang chuyện khác. Ông Chưởng trả lời giúp tôi: “Theo tôi được biết thì, bình thường, trừ tất cả chi phí, thu nhập bình quân là 4-5 triệu/người/tháng. Tôi nhắc lại đó là bình thường thôi đấy nhé. Những ngày lễ, tết thì họ có thể thu nhập cao hơn nhiều”.
Nhưng có lẽ câu trả lời ở ngay những ngôi nhà được xây dựng khang trang trong xã. Tất cả toát lên cái vẻ gì no đủ. Thậm chí có ngôi nhà như của vợ chồng ông Thưởng (ở xóm 20), trong nguy nga như một…biệt thự, cái đầu thu sóng K+ “ngự” ở trên tầng. Cái nghề này đã khiến cuộc sống người dân dễ thở hơn, con cái họ được học hành đến nơi, đến chốn hơn.
Nỗi niềm sau vô lăng
Tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Tỵ tại xóm 19. Người phụ nữ tầm 50 tuổi này có tới 5 người con, thì 2 người con trai lớn cùng lên Thủ đô lái xe cùng bố. Chị đang kẽo kẹt đẩy võng ru con ngủ, còn một đứa khác thì kêu ốm nằm còng queo trong giường. Ngôi nhà vắng cái hơi đàn ông, sao quạnh quẽ đến lạ! Nhà chị vay mượn, mua chiếc xe 450 triệu đồng, hàng tháng phải trả góp 7-8 triệu đồng. Chị buồn buồn kể: “Đợt vừa rồi, báo chí đưa tin nhiều trường hợp giết lái xe để cướp taxi, khiến tôi cũng lo lắng lắm, nhất là đứa cả, hay chạy xe vào đêm. Nhiều khi trằn trọc mãi không ngủ được vì thương, lo cho nó”. Còn biết bao người phụ nữ khác của xã này phải trở mình hàng đêm vì nghĩ đến chồng con như chị Tỵ?
Gặp những người như chị Tỵ, tức những người vợ ở quê nuôi con, để chồng lái taxi ở Hà Nội trong cái “xã taxi” này thì không hiếm, còn gặp những bác tài về thăm quê thì quá khó, đúng như “cảnh báo” của ông Phó chủ tịch xã. Nhưng tôi đã gặp may. Chẳng là trong xã sắp có đám cưới, nên một số “xế” đã đánh taxi về. Lướt qua xóm 20, tôi mừng thầm khi thấy một chiếc xe taxi đang đậu trong ngõ. Cất tiếng gọi, một anh con trai vẻ ngái ngủ bước ra. Tên anh là D. (anh đề nghị không viết tên thật). Anh kể chuyện với tôi: “Học hết lớp 9, em đã lên Hà Nội, rồi làm nghề xe ôm, để quen đường xá. Còn bố em đã lái taxi 13 năm nay. Trước ông làm thuê, mới đây vay tiền mua xe taxi chạy riêng. Cách đây 3 năm, em bắt đầu đi taxi cùng bố em”. Có lẽ, cái nghề phải tiếp xúc với đủ các loại người này, khiến anh có khuôn mặt già dặn hơn nhiều so với tuổi 20 của mình.
Đúng là, phải nghe những người lăn lộn trong nghề như D. thì mới hiểu hết được những nhục nhằn, đắng chát của cái nghề lái xe taxi. D. bảo:“Mấy tháng nay, thủ đô tăng mức phạt, lỗi dừng đỗ cũng đã bị phạt đến 8 trăm- 1 triệu rồi, lại còn bị bấm lỗ, treo bằng nữa”. D. nói thêm, giọng từng trải: “Em là thằng chuyên sống về đêm, tuy cướp dao kề cổ thì chưa gặp, nhưng mà những cảnh thành phần đánh chém nhau tự dưng “đưa” đến mình thì chẳng hiếm anh ạ. Nghề này như là làm dâu trăm họ, tiếp xúc đủ với mọi hạng người trong xã hội, nên mình phải biết nhìn người, linh cảm, để xem khách có đáng tin, có đi được hay không, chứ chẳng may gặp bọn ma cô thì có mà… đi đời”. Vừa rồi D. “dính” vụ tai nạn, phải đền mười mấy triệu đồng.
Có lẽ, chẳng người nông dân nào lại muốn ly hương, ly vợ chồng, con cái, bươn chải nơi xứ người. Tôi nghĩ, nghề taxi nhìn bên ngoài có vẻ hào nhoáng của chiếc xe hơi, bộ đồng phục, chiếc caravat…, nhưng “bóc” những thứ đó đi, thì nhiều “bác tài” của làng lái taxi này cũng giống như những anh cửu vạn xa quê nhọc nhằn, vì mưu sinh…
Box: Hiện ở xã Thọ Nghiệp, Cty TNHH Thương mại và Du lịch Thiên Vương- vận tải khách bằng taxi du lịch- taxi tải đang đóng trụ sở tại đây, hoạt động chủ yếu ở địa bàn Nam Định. Nhưng gần đây, một “đại gia” taxi đổ bộ vào Nam Định nên Cty gặp nhiều khó khăn hơn so với trước. Ngoài ra, theo người dân, thì ông chủ của Hãng taxi Thủ Đô trên Hà Nội cũng là một người dân Thọ Nghiệp; và chiếm phần lớn những người lái taxi tại Hà Nội là người…Nam Định.
comment thử xem nào
ReplyDeleteac, comment thu thi cung phai noi cai gi chu, chang noi gi vay?
ReplyDeletevãi... nhà mình sao ko làm cái nhỉ????
ReplyDeleteVan biet rang nghe nao nghiep day, sao ko nhin nhan, di sau vao khai thac o khia canh tich cuc nhieu hon? Hay tac gia da co giai phap gi hay hon cho cai lang Taxi day?!
ReplyDelete@ Ataraxi: Ở trong bài viết mình cũng nhắc đến nhưg khía cạnh tích cực đó chứ. hi
ReplyDelete