Cuộc tranh luận ở Mỹ để quyết định “cho nhà nước đi vay thêm nợ” đã kéo dài trong không khí gay gắt trong mấy tháng nay.
Cãi nhau vì tiền
Tổng thống Mỹ và các đại biểu Quốc Hội họp với nhau không biết bao nhiêu lần rồi. Ở Thượng Viện có ba dự án khác nhau, chưa được đem bàn. Riêng ở Hạ Viện đảng Cộng Hòa đã lần lượt đưa ra hai dự luật trong hai tuần liên tiếp! Dự luật thứ nhất được thông qua nhưng không hy vọng được Thượng Viện thảo luận. Dự luật thứ nhì ngày hôm qua lại không đủ túc số vì một số đại biểu Cộng Hòa cũng bác bỏ sau khi bà Sarah Palin cảnh cáo rằng họ đừng quên chính Tea Party đã đưa họ vào Quốc Hội. Ðây là lần thứ nhì ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, bị các bạn cùng đảng bỏ rơi, vì một dự luật khác của ông về vấn đề này đã bị chung số phận đó hôm 31 Tháng Năm vừa qua!
Các ông bà đại biểu Quốc Hội có vẻ không sợ hãi gì trước những lời “hăm dọa” nước Mỹ sẽ vỡ nợ! Tại sao họ phải tranh luận gay cấn đến như vậy, về một quyết định bình thường, là đi vay thêm nợ cho đủ công quỹ? Lý do rất hiển nhiên: Vì họ đang cãi nhau về Tiền! Nói rõ hơn: Tiền chi ra và tiền thu vào của chính phủ Mỹ. Ở nước Mỹ, Quốc Hội kiểm soát cái túi tiền, Quốc Hội cho bao nhiêu ông chính phủ được xài bấy nhiêu. Mỗi năm các đại biểu Quốc Hội biểu quyết ngân sách thu, chi một lần; lâu lâu có dịp họ lại thi hành quyền đó thêm lần nữa!
Tranh luận về ngân sách thu, chi là một điểm nổi bật trong đời sống chính trị ở Mỹ, một dân tộc nổi tiếng về tinh thần thực dụng. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thường không đem các chủ nghĩa hay lý thuyết to lớn nào ra lòe nhau cả. Họ thường bàn những chương trình chi và thu, họ vận động dân chúng để xin phiếu trên căn bản các khoản chi và thu trong ngân sách quốc gia. Ở Mỹ cũng có nhiều giáo sư đại học, các nhà bình luận nghiên cứu và tranh luận về triết lý chính trị; có rất nhiều chuyên gia bàn về chính sách trị quốc, bình thiên hạ, vân vân. Nhưng đối với người dân thì mọi tư tưởng, mọi chủ thuyết phải được diễn tả một cách cụ thể. Cụ thể như là: Chính phủ sẽ thu bao nhiêu tiền của dân? Ai đóng thuế nhiều, ai đóng ít? Chính phủ sẽ chi tiền cho những ai được hưởng? Món chi tiêu nào là ưu tiên, món nào thứ yếu, món nào phí phạm, đáng bỏ? Có nhiều cử tri Mỹ cũng bỏ phiếu dựa trên các nguyên tắc chính trị hay luân lý mà họ tin tưởng; hoặc vì những lý do tình cảm, vì đạo giáo, có khi dựa vào óc địa phương. Nhưng phần lớn các cử tri bỏ phiếu sẽ lựa chọn các ứng cử viên vì biết họ chủ trương guồng máy nhà nước sẽ thu và chi như thế nào.
Nhân dân hay "người đóng thuế"?
Ðặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ có thể thấy ngay trong ngôn ngữ, ngôn ngữ thể hiện cách suy nghĩ của người ta. Các nhà chính trị Mỹ ít khi dùng đến chữ “Nhân Dân” (The People). Danh từ đó trừu tượng quá, không có gì chính xác, cụ thể cả. Cho nên nó rất dễ bị lạm dụng, dễ bị đem dùng trong các khẩu hiệu mị dân. Viết trong các tuyên ngôn thì được; đem ra vận động tranh cử, người nghe lắc đầu, nghi ngờ! Khi các nhà chính trị cần nói đến “Nhân Dân,” hay khi người dân tự nói về mình, ở Mỹ người ta thường dùng một danh hiệu cụ thể, và dính dáng đến túi tiền! Ðó là “Những người đóng thuế” (Tax Payers).
Tên gọi “Những người đóng thuế” bao hàm một ý tưởng: Dân nuôi guồng máy nhà nước! Tiền bạc mà nhà nước đem chi tiêu là do “người dân chúng tôi” đóng góp. Có lẽ ở quốc gia nào người dân cũng biết sự thật sơ đẳng này. Không có dân đóng thuế, nhà nước lấy tiền đâu mà tiêu? Nhưng không phải ở nước nào dân chúng cũng được gọi là “Những người Trả thuế” như ở Mỹ. Xin chú ý đến động từ Trả tiền (Pay), giống như khi người tiêu thụ trả tiền mua một món hàng (thí dụ, cái áo) hay một dịch vụ (thí dụ, đi xe buýt). Tôi đã sống ở Montréal hơn 20 năm, ở đó mọi người thường dùng hai thứ tiếng, Anh ngữ và Pháp ngữ. Ngôn ngữ chính trị ở Canada cũng hay dùng từ “Những người đóng thuế.” Nhưng trong hai ngôn ngữ nó nặng nhẹ khác nhau.
Người nói tiếng Anh ở Canada thì dùng chữ Tax Payers, còn khi dùng tiếng Pháp người ta gọi là Người đóng thuế là Contribuables. Ðộng từ Pay có nghĩa là Trả tiền, nghe thấy ý trao đổi. Còn động từ Contribuer có thể dịch là Ðóng góp. Coi chữ dùng trong hai ngôn ngữ thì thấy người nói tiếng Anh (chịu ảnh hưởng Mỹ) và người nói tiếng Pháp suy nghĩ hơi khác nhau. Chúng ta có thể Ðóng góp (Contribuer) vào một quỹ của nhà thờ, nhà chùa; có thể đóng góp khi giúp một công tác từ thiện. Góp tiền đi nhậu cũng là đóng góp, contribuer. Nhưng khi Trả tiền, Pay, chúng ta chờ đợi người nhận tiền phải cung cấp một dịch vụ (đi xe buýt) hay một hàng hóa (cái áo). Ðúng là “Tiền trao cháo múc.” Còn khi Ðóng góp, có khi chúng ta không chờ đợi nhận được cái gì cả, chắc chỉ có một tờ giấy biên nhận hoặc thêm bản báo cáo tài chánh cuối năm mà ít người có thời giờ đọc. Ðóng góp rồi, sau đó người nhận tiền chi tiêu thế nào mình cũng chẳng quan tâm!
Phân biệt như trên rất quan trọng. Vì có khi người dân đóng thuế cũng chểnh mảng, coi đồng tiền đóng thuế của mình giống như là “đóng góp”; chứ không phải là trả tiền để mua các dịch vụ mà guồng máy nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho dân: an ninh, trật tự, đường sá, trường học, vân vân. Ðiều nguy hiểm là nhà nước, là những người được quyền sử dụng số tiền của thập phương bá tánh đóng góp qua việc trả thuế, nhận được tiền của dân rồi họ cũng tự tiện tiêu xài như Tiêu Tiền Chùa!
Cho nên, tốt nhất người dân một nước nên tự gọi mình là “Những người đóng thuế” chứ không nên tự xưng mình là Nhân Dân. Nên ý thức vai trò “người trả tiền” của mình. Dân là người đóng thuế để nuôi guồng máy nhà nước, chứ không phải ông nhà nước tự đẻ ra tiền mà trả lương công chức, cán bộ, xây cầu hay sửa ống cống, phúc đức ban ân huệ cho dân. Phải xác định vai trò của mình và tương quan giữa người trả tiền với người dùng tiền. Nên nghi ngờ các nhà chính trị hay sử dụng những tiếng Nhân Dân. Nó trừu tượng và nói mãi sẽ trở thành huênh hoang rỗng tuếch. Nó chẳng gợi nên một tương quan nào có tính cách trao đổi: Dân góp tiền cho nhà nước để được hưởng những dịch vụ mà nhà nước phải cung cấp. Nếu các ông bà cầm đầu nhà nước mà không làm đủ trách nhiệm đó, dân sẽ truất phế, thay bằng người khác.
Phải tránh một ngộ nhận: Nghĩ rằng có những người dân không phải đóng thuế bao giờ cả. Như vậy họ có quyền đòi hỏi gì đối với chính quyền hay không? Nghĩ như vậy là sai. Thực ra ai cũng đóng thuế hết, trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay cả những người sống bằng trợ cấp của xã hội. Mỗi lần quý vị đổ xăng, quý vị đã đóng thuế. Vì ngay mình khi trả tiền, ông nhà nước đã lượm ngay một số trong đó rồi! Quý vị mua vé xe buýt, cũng đang trả thuế. Vì công ty chuyên chở lấy một phần tiền đó mà đóng thuế, đủ các thứ thuế họ phải đóng. Chúng ta còn sống trong xã hội, còn đi mua áo, còn mua kẹo cho con cháu, mỗi lần trả tiền đều đóng thuế cả. Ðó là cái nghiệp của mọi chúng sinh sống trong xã hội. Một người nông dân nghèo ở Quảng Bình không bao giờ đi lên chợ cả, cũng vẫn thường xuyên đóng thuế cho nhà nước. Vì khi vợ ông ta mua vải, tự may lấy may áo cho gia đình, nhà nước đã thu tiền thuế của công ty dệt vải hay nhập cảng vải, trong đó có phần ông đóng góp! Mua một cái chén ăn cơm hay một con dao cũng vậy! Khi làm giấy giá thú hay khai sinh cho con cũng phải đóng tiền, cái đó chắc chắn là một thứ thuế, dù họ gọi bằng tên khác! Tất cả mọi người dân đều có thể tự xưng mình là Người đóng thuế!
Còn một thứ thuế gián tiếp hơn nữa mà ông nhà nước thường xuyên lấy của dân, mặc dù người dân không bỏ ra đồng nào cả. Ðó là khi nhà nước sử dụng những tài nguyên chung của quốc gia. Nhà tôi ở gần một cái xa lộ, cách 15 phút lại có một cái phi trường. Tất cả những tiếng động, ồn ào, bụi bậm gây ra, làm mất không khí yên tĩnh, mát mẻ đáng lẽ tôi được hưởng, cũng là một thứ thuế tôi phải đóng góp. Ðất là của chung toàn dân. Bầu khí quyển cũng vậy. Việc sử dụng các tài nguyên đó vào việc gì cũng giống như bắt người dân phải đóng góp, vì họ bớt được hưởng các tài nguyên chung.
Khi nghĩ mình như những người dân đóng thuế, chúng ta có thể giải thích được tại sao có suất thuế khác biệt khi người dân “trả tiền” mua các dịch vụ của nhà nước. Vì có người dùng nhiều, người dùng ít. Nếu tôi không lái xe, không hay đi ra xa lộ, hoặc cả đời không đi máy bay, tức là ông nhà nước đã “thu thuế” của tôi, cho nhiều người khác hưởng. Với tư cách một người đóng thuế, tôi có quyền hỏi những người “nghèo” như tôi được đối xử công bằng hay không? Tại sao tôi phải đóng cùng một thứ thuế để nuôi guồng máy cảnh sát, mà họ thì “phục vụ” phạt xe những người lái xe trên xa lộ hoặc canh gác giữ an ninh cho những người dùng phi trường nhiều hơn tôi? Guồng máy tư pháp một nước bảo vệ mọi người dân, trong đó có việc bảo vệ tài sản và công việc làm ăn của dân. Như vậy thì những người có tài sản lớn, làm việc kinh doanh lớn, họ được phục vụ nhiều hơn những người không có đất cắm dùi! Ở các nước tiến bộ, những người giầu phải đóng suất thuế cao hơn người nghèo, cũng là để trong xã hội việc đóng góp, “trả tiền mua dịch vụ” tùy theo mức thụ hưởng, được công bằng hơn!
Mỗi khi tài nguyên chung của quốc gia được sử dụng, mọi người dân đã bắt buộc phải đóng góp. Họ phải được hỏi ý kiến. Việc bầu cử Quốc Hội để cho Quốc Hội quyết định ngân sách quốc gia là một cách cho dân bày tỏ ý kiến. Vậy thì khi ông nhà nước ở Việt Nam đem rừng cho ngoại quốc thuê, đem mỏ bô xít cho người ta khai thác, tất cả mọi người Việt Nam đều đã “đóng thuế” một cách gián tiếp! Vì các tài nguyên đó là của chung tất cả mọi người, chứ không phải tài sản riêng của ông nhà nước! Với tư cách những người đóng thuế, dân Việt Nam có quyền thảo luận, phê phán, trước khi những việc cho thuê khai thác tài nguyên quốc gia được thực hiện.
Cho nên đừng thấy các đại biểu Quốc Hội Mỹ tranh cãi gay gắt và kéo dài lằng nhằng về chuyện chi thu của nhà nước mà nghĩ rằng họ chỉ làm phí thời giờ, không ai lo “làm việc nước.” Thu tiền của dân thế nào, chi tiêu vào những việc gì, đó chính là việc nước!
Tiền Chùa: Xin lỗi quý vị Phật tử, tôi chỉ dùng một từ rất thông dụng để nói về những người được quyền tiêu tiền chung mà không chịu trách nhiệm nào cả. Ngày nay, chính tại các nhà chùa hay nhà thờ, cũng như các hội thiện, sau mỗi đợt quyên góp cũng làm bản báo cáo tài chánh cho các đại chúng biết đã thu được bao nhiêu và chi tiêu ra sao; chứng tỏ tinh thần trách nhiệm rất cao!
Written by Ngo Dan Dung (Bao Nguoi Viet); Sub-title by Doan Tat Thao
Cãi nhau vì tiền
Tổng thống Mỹ và các đại biểu Quốc Hội họp với nhau không biết bao nhiêu lần rồi. Ở Thượng Viện có ba dự án khác nhau, chưa được đem bàn. Riêng ở Hạ Viện đảng Cộng Hòa đã lần lượt đưa ra hai dự luật trong hai tuần liên tiếp! Dự luật thứ nhất được thông qua nhưng không hy vọng được Thượng Viện thảo luận. Dự luật thứ nhì ngày hôm qua lại không đủ túc số vì một số đại biểu Cộng Hòa cũng bác bỏ sau khi bà Sarah Palin cảnh cáo rằng họ đừng quên chính Tea Party đã đưa họ vào Quốc Hội. Ðây là lần thứ nhì ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, bị các bạn cùng đảng bỏ rơi, vì một dự luật khác của ông về vấn đề này đã bị chung số phận đó hôm 31 Tháng Năm vừa qua!
Các ông bà đại biểu Quốc Hội có vẻ không sợ hãi gì trước những lời “hăm dọa” nước Mỹ sẽ vỡ nợ! Tại sao họ phải tranh luận gay cấn đến như vậy, về một quyết định bình thường, là đi vay thêm nợ cho đủ công quỹ? Lý do rất hiển nhiên: Vì họ đang cãi nhau về Tiền! Nói rõ hơn: Tiền chi ra và tiền thu vào của chính phủ Mỹ. Ở nước Mỹ, Quốc Hội kiểm soát cái túi tiền, Quốc Hội cho bao nhiêu ông chính phủ được xài bấy nhiêu. Mỗi năm các đại biểu Quốc Hội biểu quyết ngân sách thu, chi một lần; lâu lâu có dịp họ lại thi hành quyền đó thêm lần nữa!
Tranh luận về ngân sách thu, chi là một điểm nổi bật trong đời sống chính trị ở Mỹ, một dân tộc nổi tiếng về tinh thần thực dụng. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thường không đem các chủ nghĩa hay lý thuyết to lớn nào ra lòe nhau cả. Họ thường bàn những chương trình chi và thu, họ vận động dân chúng để xin phiếu trên căn bản các khoản chi và thu trong ngân sách quốc gia. Ở Mỹ cũng có nhiều giáo sư đại học, các nhà bình luận nghiên cứu và tranh luận về triết lý chính trị; có rất nhiều chuyên gia bàn về chính sách trị quốc, bình thiên hạ, vân vân. Nhưng đối với người dân thì mọi tư tưởng, mọi chủ thuyết phải được diễn tả một cách cụ thể. Cụ thể như là: Chính phủ sẽ thu bao nhiêu tiền của dân? Ai đóng thuế nhiều, ai đóng ít? Chính phủ sẽ chi tiền cho những ai được hưởng? Món chi tiêu nào là ưu tiên, món nào thứ yếu, món nào phí phạm, đáng bỏ? Có nhiều cử tri Mỹ cũng bỏ phiếu dựa trên các nguyên tắc chính trị hay luân lý mà họ tin tưởng; hoặc vì những lý do tình cảm, vì đạo giáo, có khi dựa vào óc địa phương. Nhưng phần lớn các cử tri bỏ phiếu sẽ lựa chọn các ứng cử viên vì biết họ chủ trương guồng máy nhà nước sẽ thu và chi như thế nào.
Nhân dân hay "người đóng thuế"?
Ðặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ có thể thấy ngay trong ngôn ngữ, ngôn ngữ thể hiện cách suy nghĩ của người ta. Các nhà chính trị Mỹ ít khi dùng đến chữ “Nhân Dân” (The People). Danh từ đó trừu tượng quá, không có gì chính xác, cụ thể cả. Cho nên nó rất dễ bị lạm dụng, dễ bị đem dùng trong các khẩu hiệu mị dân. Viết trong các tuyên ngôn thì được; đem ra vận động tranh cử, người nghe lắc đầu, nghi ngờ! Khi các nhà chính trị cần nói đến “Nhân Dân,” hay khi người dân tự nói về mình, ở Mỹ người ta thường dùng một danh hiệu cụ thể, và dính dáng đến túi tiền! Ðó là “Những người đóng thuế” (Tax Payers).
Tên gọi “Những người đóng thuế” bao hàm một ý tưởng: Dân nuôi guồng máy nhà nước! Tiền bạc mà nhà nước đem chi tiêu là do “người dân chúng tôi” đóng góp. Có lẽ ở quốc gia nào người dân cũng biết sự thật sơ đẳng này. Không có dân đóng thuế, nhà nước lấy tiền đâu mà tiêu? Nhưng không phải ở nước nào dân chúng cũng được gọi là “Những người Trả thuế” như ở Mỹ. Xin chú ý đến động từ Trả tiền (Pay), giống như khi người tiêu thụ trả tiền mua một món hàng (thí dụ, cái áo) hay một dịch vụ (thí dụ, đi xe buýt). Tôi đã sống ở Montréal hơn 20 năm, ở đó mọi người thường dùng hai thứ tiếng, Anh ngữ và Pháp ngữ. Ngôn ngữ chính trị ở Canada cũng hay dùng từ “Những người đóng thuế.” Nhưng trong hai ngôn ngữ nó nặng nhẹ khác nhau.
Người nói tiếng Anh ở Canada thì dùng chữ Tax Payers, còn khi dùng tiếng Pháp người ta gọi là Người đóng thuế là Contribuables. Ðộng từ Pay có nghĩa là Trả tiền, nghe thấy ý trao đổi. Còn động từ Contribuer có thể dịch là Ðóng góp. Coi chữ dùng trong hai ngôn ngữ thì thấy người nói tiếng Anh (chịu ảnh hưởng Mỹ) và người nói tiếng Pháp suy nghĩ hơi khác nhau. Chúng ta có thể Ðóng góp (Contribuer) vào một quỹ của nhà thờ, nhà chùa; có thể đóng góp khi giúp một công tác từ thiện. Góp tiền đi nhậu cũng là đóng góp, contribuer. Nhưng khi Trả tiền, Pay, chúng ta chờ đợi người nhận tiền phải cung cấp một dịch vụ (đi xe buýt) hay một hàng hóa (cái áo). Ðúng là “Tiền trao cháo múc.” Còn khi Ðóng góp, có khi chúng ta không chờ đợi nhận được cái gì cả, chắc chỉ có một tờ giấy biên nhận hoặc thêm bản báo cáo tài chánh cuối năm mà ít người có thời giờ đọc. Ðóng góp rồi, sau đó người nhận tiền chi tiêu thế nào mình cũng chẳng quan tâm!
Phân biệt như trên rất quan trọng. Vì có khi người dân đóng thuế cũng chểnh mảng, coi đồng tiền đóng thuế của mình giống như là “đóng góp”; chứ không phải là trả tiền để mua các dịch vụ mà guồng máy nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho dân: an ninh, trật tự, đường sá, trường học, vân vân. Ðiều nguy hiểm là nhà nước, là những người được quyền sử dụng số tiền của thập phương bá tánh đóng góp qua việc trả thuế, nhận được tiền của dân rồi họ cũng tự tiện tiêu xài như Tiêu Tiền Chùa!
Cho nên, tốt nhất người dân một nước nên tự gọi mình là “Những người đóng thuế” chứ không nên tự xưng mình là Nhân Dân. Nên ý thức vai trò “người trả tiền” của mình. Dân là người đóng thuế để nuôi guồng máy nhà nước, chứ không phải ông nhà nước tự đẻ ra tiền mà trả lương công chức, cán bộ, xây cầu hay sửa ống cống, phúc đức ban ân huệ cho dân. Phải xác định vai trò của mình và tương quan giữa người trả tiền với người dùng tiền. Nên nghi ngờ các nhà chính trị hay sử dụng những tiếng Nhân Dân. Nó trừu tượng và nói mãi sẽ trở thành huênh hoang rỗng tuếch. Nó chẳng gợi nên một tương quan nào có tính cách trao đổi: Dân góp tiền cho nhà nước để được hưởng những dịch vụ mà nhà nước phải cung cấp. Nếu các ông bà cầm đầu nhà nước mà không làm đủ trách nhiệm đó, dân sẽ truất phế, thay bằng người khác.
Phải tránh một ngộ nhận: Nghĩ rằng có những người dân không phải đóng thuế bao giờ cả. Như vậy họ có quyền đòi hỏi gì đối với chính quyền hay không? Nghĩ như vậy là sai. Thực ra ai cũng đóng thuế hết, trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay cả những người sống bằng trợ cấp của xã hội. Mỗi lần quý vị đổ xăng, quý vị đã đóng thuế. Vì ngay mình khi trả tiền, ông nhà nước đã lượm ngay một số trong đó rồi! Quý vị mua vé xe buýt, cũng đang trả thuế. Vì công ty chuyên chở lấy một phần tiền đó mà đóng thuế, đủ các thứ thuế họ phải đóng. Chúng ta còn sống trong xã hội, còn đi mua áo, còn mua kẹo cho con cháu, mỗi lần trả tiền đều đóng thuế cả. Ðó là cái nghiệp của mọi chúng sinh sống trong xã hội. Một người nông dân nghèo ở Quảng Bình không bao giờ đi lên chợ cả, cũng vẫn thường xuyên đóng thuế cho nhà nước. Vì khi vợ ông ta mua vải, tự may lấy may áo cho gia đình, nhà nước đã thu tiền thuế của công ty dệt vải hay nhập cảng vải, trong đó có phần ông đóng góp! Mua một cái chén ăn cơm hay một con dao cũng vậy! Khi làm giấy giá thú hay khai sinh cho con cũng phải đóng tiền, cái đó chắc chắn là một thứ thuế, dù họ gọi bằng tên khác! Tất cả mọi người dân đều có thể tự xưng mình là Người đóng thuế!
Còn một thứ thuế gián tiếp hơn nữa mà ông nhà nước thường xuyên lấy của dân, mặc dù người dân không bỏ ra đồng nào cả. Ðó là khi nhà nước sử dụng những tài nguyên chung của quốc gia. Nhà tôi ở gần một cái xa lộ, cách 15 phút lại có một cái phi trường. Tất cả những tiếng động, ồn ào, bụi bậm gây ra, làm mất không khí yên tĩnh, mát mẻ đáng lẽ tôi được hưởng, cũng là một thứ thuế tôi phải đóng góp. Ðất là của chung toàn dân. Bầu khí quyển cũng vậy. Việc sử dụng các tài nguyên đó vào việc gì cũng giống như bắt người dân phải đóng góp, vì họ bớt được hưởng các tài nguyên chung.
Khi nghĩ mình như những người dân đóng thuế, chúng ta có thể giải thích được tại sao có suất thuế khác biệt khi người dân “trả tiền” mua các dịch vụ của nhà nước. Vì có người dùng nhiều, người dùng ít. Nếu tôi không lái xe, không hay đi ra xa lộ, hoặc cả đời không đi máy bay, tức là ông nhà nước đã “thu thuế” của tôi, cho nhiều người khác hưởng. Với tư cách một người đóng thuế, tôi có quyền hỏi những người “nghèo” như tôi được đối xử công bằng hay không? Tại sao tôi phải đóng cùng một thứ thuế để nuôi guồng máy cảnh sát, mà họ thì “phục vụ” phạt xe những người lái xe trên xa lộ hoặc canh gác giữ an ninh cho những người dùng phi trường nhiều hơn tôi? Guồng máy tư pháp một nước bảo vệ mọi người dân, trong đó có việc bảo vệ tài sản và công việc làm ăn của dân. Như vậy thì những người có tài sản lớn, làm việc kinh doanh lớn, họ được phục vụ nhiều hơn những người không có đất cắm dùi! Ở các nước tiến bộ, những người giầu phải đóng suất thuế cao hơn người nghèo, cũng là để trong xã hội việc đóng góp, “trả tiền mua dịch vụ” tùy theo mức thụ hưởng, được công bằng hơn!
Mỗi khi tài nguyên chung của quốc gia được sử dụng, mọi người dân đã bắt buộc phải đóng góp. Họ phải được hỏi ý kiến. Việc bầu cử Quốc Hội để cho Quốc Hội quyết định ngân sách quốc gia là một cách cho dân bày tỏ ý kiến. Vậy thì khi ông nhà nước ở Việt Nam đem rừng cho ngoại quốc thuê, đem mỏ bô xít cho người ta khai thác, tất cả mọi người Việt Nam đều đã “đóng thuế” một cách gián tiếp! Vì các tài nguyên đó là của chung tất cả mọi người, chứ không phải tài sản riêng của ông nhà nước! Với tư cách những người đóng thuế, dân Việt Nam có quyền thảo luận, phê phán, trước khi những việc cho thuê khai thác tài nguyên quốc gia được thực hiện.
Cho nên đừng thấy các đại biểu Quốc Hội Mỹ tranh cãi gay gắt và kéo dài lằng nhằng về chuyện chi thu của nhà nước mà nghĩ rằng họ chỉ làm phí thời giờ, không ai lo “làm việc nước.” Thu tiền của dân thế nào, chi tiêu vào những việc gì, đó chính là việc nước!
Tiền Chùa: Xin lỗi quý vị Phật tử, tôi chỉ dùng một từ rất thông dụng để nói về những người được quyền tiêu tiền chung mà không chịu trách nhiệm nào cả. Ngày nay, chính tại các nhà chùa hay nhà thờ, cũng như các hội thiện, sau mỗi đợt quyên góp cũng làm bản báo cáo tài chánh cho các đại chúng biết đã thu được bao nhiêu và chi tiêu ra sao; chứng tỏ tinh thần trách nhiệm rất cao!
Written by Ngo Dan Dung (Bao Nguoi Viet); Sub-title by Doan Tat Thao
No comments:
Post a Comment