Monday, 25 July 2011

Chị em xương thủy tinh


Chị hướng dẫn cho em học hàng ngày
(LĐ) - Người cha mất khi mới ngoài 30 tuổi. Hai đứa con, "một nếp, một tẻ" đều thân thể bé xíu, phải sống chung với những chiếc xương dễ gãy hơn cả... que, bởi căn bệnh "xương thuỷ tinh".

Người mẹ quê mùa, gầy gò, ốm yếu, đôi vai gầy gồng gánh nuôi hai con và bố chồng ngoài 80 tuổi già cả. Trong ngôi nhà cũ nát tại thôn Lạc Cổ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình ấy, chứa chất thật nhiều nỗi đau thương, bất hạnh và cả nghị lực vươn lên của hai "hoa thuỷ tinh".

Xương gãy  - chuyện thường ngày

"Hai chị em bị gãy xương nhiều quá đến nỗi bác sĩ cũng... thất kinh, bảo "định cư" ở bệnh viện luôn, đi về làm gì cho mệt" - em Hoàng Thị Nhàn, cười nói với tôi. Năm 1992, Nhàn chào đời, bình thường như bao trẻ khác. Thế nhưng, khi được 2 tháng tuổi, cứ khi lẫy, Nhàn lại khóc thét đau đớn. Rồi chân tay cứ đuồn đuỗn, bất động. Không hiểu tại sao, người mẹ Nguyễn Thị Ram đành bế con đến bệnh viện, mới hay con mình bị vôi xương, mà người ta hay gọi là bệnh "xương thuỷ tinh".

Vôi xương là gì, bà Ram chẳng biết rõ lắm. Bà chỉ nghĩ rằng xương nó yếu, thì bà bồi bổ thật nhiều chất canxi cho con. Bà cật lực cho con ăn tôm, ăn cua... Nhưng phụ công bà, càng ăn thì chân, tay của Nhàn lại càng... gãy. Kinh hoàng nhất là khi Nhàn tập đi. Cứ vấp ngã chút là mẹ Nhàn lại tức tốc bế Nhàn đi bệnh viện bó bột. Nhàn kể: "Em đã bị hàng chục lần gãy xương rồi. Có năm bị gãy vài lần. Gãy nhiều, xương bị "chùn" lại, nên giờ em chỉ cao chưa được 1m". Có khi, vừa bước từ cầu thang xuống, gãy. Sáng dậy, bỗng thấy đau người, gãy. Đang đi, thấy tê tê, gãy. Tôi đau xót nghĩ, nếu không bị căn bệnh quái ác này, hẳn giờ em đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn, dong dỏng cao.

Hoàng Văn Hanh - em trai của Nhàn không kém cạnh so với chị những lần gãy xương. Chỉ 20 ngày sau khi sinh, "kịch bản" của Nhàn lại gặp lại, khi bác sĩ kết luận, xương của Hanh cũng giòn tan như chị. "Vừa rồi, em lắp cái pin đồng hồ, vậy mà nghe rắc một cái, thôi rồi, em biết xương đã gãy" - Hanh nói. Những ngón tay của Hanh dài như tay con gái, vậy mà thật mong manh! Hanh kể tiếp: "Có lần em vớ được cái súng caosu, thích quá, đẩy xe lăn đi kiếm "đạn". Em lấy muôi, cúi từ xe lăn xuống để xúc đạn sỏi, quá đà thế là ngã cái ầm. Xong! Em gãy cả chân, cả tay. Từ đấy, em "tởn", không dám chơi súng caosu nữa".

Hanh có khuôn mặt sáng sủa, đẹp trai, vậy mà giờ phải gắn chặt mình với chiếc giường này. Người em chỉ còn một mẩu. Cái đầu to, cái chân nhỏ xíu. Qua nhiều lần gãy, hai chân em giờ cong cong, bé như lưỡi liềm. Bà Ram vuốt tóc con trai: "Nó nghịch ngợm lắm nên gãy nhiều. Ngày trước cũng đi được đấy, nhưng cứ gãy, rồi bó bột, chân teo lại, giờ chỉ nằm một chỗ thôi".

Bà Ram với chiếc xe "tự chế" đưa Nhàn đến trường.

Khát chữ

Khi chúng tôi đến, bà Ram đang lụi hụi lấy dây thừng buộc xe lăn vào xe đạp để chở con đến trường. Mẹ đạp xe trước, con lúc lắc xe sau. Đó là "sáng kiến" của bà, chứ đẩy xe lăn thì mệt lắm, vì trường hơi xa. Nhàn đang học lớp 7. Câu chuyện học hành của Nhàn thật dài và chông gai.

Cô Nguyễn Thị Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dục - kể lại: Khoảng năm 2000, khi "Hòm thư giúp bạn" của trường nhận được thư của một học sinh, nói "có một bạn ở thôn Lạc Cổ bị khuyết tật, nhưng rất thích học", các thầy cô trong Ban giám hiệu đã xuống để hỏi thăm Nhàn. "Chúng tôi không cầm nổi nước mắt khi em cầm và đọc vanh vách quyển sách... "Kế hoạch hoá gia đình". Em không có quyển sách nào khác. Em nói, sau khi được người anh con bác dạy cho cách đọc chữ, em đã tự mày mò để học, và xin các cô giúp em được đến trường".

Một số giáo viên không đồng tình với ý định đưa em đến trường, bởi bệnh như thế, nhỡ có chuyện xảy ra thì sao? Phải thuyết phục mãi, thì họ mới đồng ý. Nhưng cản trở lớn nhất là em không có xe lăn, làm sao mà đi tới trường được? Nhà Nhàn thì ăn còn chẳng đủ...

Cô Dương Lệ Nga - giáo viên tổng phụ trách Trường THCS An Dục - nơi Nhàn đang học - là người gần gũi với em và như Nhàn nói, chính là người giúp đỡ em rất nhiều. Cô Nga kể lại: "Thương Nhàn, cùng năm đó, tôi kéo em vào tốp ca "Hy vọng" của trường để tham gia cuộc thi "Tiếng hát trẻ em thiệt thòi" của tỉnh". Lần đó, tốp ca đã đoạt huy chương vàng. Cả hội trường đã lặng đi khi nghe em nói lên ước mơ: Có chiếc xe lăn để đưa em đến trường".
Mẹ chở em trên chiếc xe "tự chế"

Cái ước mơ ấy, phải đến năm 2003 mới thành hiện thực. Hội Khuyến học huyện Quỳnh Phụ đã gửi em chiếc xe lăn. Em đến trường học được một tuần, thì trong một lần ra chơi, bạn nô đùa đã xô vào Nhàn, thế là gãy chân. Nhàn phải nghỉ học, năm sau mới tiếp tục đến trường. Quãng đường hơn 3km từ nhà đến trường quả là "hành lộ nan". Bạn bè thay nhau đẩy Nhàn đến trường. Không ít lần, do bất cẩn, em lại bị gãy xương trên đường đi học. Giờ thì bà Ram đưa em đến trường bằng chiếc xe "tự chế" đó.

Cô Nga bảo: "Suốt những năm tiểu học, rồi THCS, gần như em không bỏ học buổi nào, kể cả những hôm giá rét". Nhàn cười, tiếp lời cô: Sao mà bỏ học được ạ, hôm nào đến trường Nhàn cũng rất vui. Tôi bất ngờ và khâm phục Nhàn khi biết: Suốt những năm vừa qua, em đều đạt học sinh giỏi, giấy khen của em treo đầy nhà. Năm nào em cũng đoạt học sinh giỏi cấp huyện, với các môn toán, văn, Anh; có năm "rinh" cả giải cấp tỉnh. Cô Hoài nhớ nhất lần Nhàn bị gãy xương trước hôm thi học sinh giỏi huyện một ngày, em khóc rưng rức, đòi được thi. Các thầy cô phải bế em lên xe lăn với cái chân bó bột vào phòng thi. Em cắn răng, quên đi nỗi đau để làm bài.

Còn lắm gian truân

Tôi thật bất ngờ khi Hanh khoe: "Em đã đọc hết các tập truyện Harry Poter rồi anh ạ. Mỗi tuần em đọc một quyển, vài tuần là hết bay". Bất ngờ là bởi Hanh chưa bao giờ đến trường. Hoá ra, chị Nhàn đang trở thành "cô giáo" của Hanh. Tối nào cũng vậy, hoặc khi nào rảnh rỗi là hai chị em lại miệt mài đánh vật với những con chữ. Cái giường của Hanh bỗng biến thành "góc học tập" tự lúc nào. "Cô giáo" Nhàn dạy cho học sinh Hanh cả tiếng Việt, tiếng Anh, toán. "Em học khá nhất môn toán, chứ chữ em xấu như gà bới ấy. Mà từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ em mới được một người (là tôi) khen chữ... trông được đấy" - em vui vẻ. Tôi hỏi mong ước, em bảo chỉ mong được đến trường thôi!

Nhàn lo lắng nói nhỏ với tôi: "Nó bị gãy xương nhiều lần lắm, giờ sức cũng yếu, chỉ nằm thôi, còn ngồi một chỗ cũng đã thở khó nhọc rồi. Nhiều khi em đang học ở trường, cứ có người nào đến gọi mình là em lại chỉ lo thon thót có chuyện chẳng lành với nó". Nhàn lo cho mình một, thì lo cho em, cho mẹ mười. Bố mất sớm, gánh nặng cả gia đình dồn vào đôi vai gầy của bà Ram - người đàn bà khô kiệt vì vất vả.

Trước đây, bà lăn lộn làm thuê, có lần ra Quảng Ninh đội than để kiếm tiền chữa chạy, thuốc thang cho con. Giờ thì, bên cạnh củ khoai, hạt thóc..., bà nhận làm một công đoạn giản đơn trong sản xuất chiếu cói, cả ngày hoàn thành được 2 chiếc, mỗi chiếc được trả công 5.000 đồng. Nhàn lo lắng: "Mẹ em làm chiếu khuya lắm. Lắm hôm tỉnh dậy vẫn thấy mẹ lục đục làm. Kêu mẹ nghỉ thì mẹ không nghe. Em lo lắm, mẹ em có cái u ở vú mà vẫn chưa chịu đi khám. Em đã nhờ cô Nga giục giùm mẹ em rồi".

Tôi hỏi, bây giờ em mong muốn điều gì? Em bảo em mong có một mảnh đất nho nhỏ để ba mẹ con dựng tạm ngôi nhà. Ngôi nhà này là của người bác, gia đình em đang ở nhờ. Từ khi VTV1 phát sóng chương trình "Thắp sáng tương lai" (tháng 7.2009) nói về em, em đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Vừa rồi, gia đình em và cả nhà trường đã có đề nghị đến UBND xã tạo điều kiện cho gia đình em có mảnh đất. Hiện xã cũng đang tìm cách để giải quyết. Nếu được một mảnh đất, em sẽ dùng số tiền của những tấm lòng từ thiện đó để xây một căn nhà.

Ông Lưu Thanh Thụ - Hiệu trưởng Trường THCS An Dục - lo lắng: "Chúng tôi đang rất lo sau này khi học hết THCS thì con đường học vấn của cháu sẽ tiếp tục như thế nào. Cháu đã quá tuổi rồi. Trước đây, khi cháu học xong tiểu học, lên THCS thì lại quá tuổi theo quy định, nhà trường đã phải viết đơn xin cấp trên cho phép nhận cháu vào học. Cháu rất muốn được học, nếu không được học nữa thì thật là xót xa. Còn nếu được, thì đường đến trường xa như vậy, cháu sẽ phải xoay xở như thế nào?".

Nhàn tâm sự: "Nhiều lúc chán nản, em chỉ biết khóc. Nhưng nghĩ đến em Hanh, đến mẹ, em lại gạt nước mắt để bước tiếp. Em trai em cũng vậy thôi anh ạ. Nó nghĩ buồn cũng có giải quyết được gì đâu, nên nó cũng luôn vui vẻ để sống. Em phải luôn cố gắng để đạt được ước mơ làm cô giáo tiểu học, phải không anh?".

No comments:

Post a Comment