Bạn bè giúp đỡ Trung |
Cũng từ đấy, cuộc sống của Trung gắn chặt với người ông ngoại lam lũ, gắn chặt với những chiếc xe lăn. Vượt lên trên sự nghiệt ngã của số phận, dưới sự chở che của người ông, Trung đã bước chân vào lớp 11 chuyên Lý của Trường THPT Quang Trung (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) và nuôi giấc mơ: Được làm việc trong ngành công nghệ thông tin.
Không chùn bước
Cậu bé gày gò, rất ít khi nói, cười, mà có chăng thì nụ cười cũng chỉ lướt qua trong chớp mắt trên khuôn mặt đầy vẻ ngượng ngùng. Em tên là Nguyễn Lê Hoàng Trung. Cậu bé trú tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước này sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Mẹ Trung là giáo viên Trường Tiểu học Đồng Phú, còn bố Trung là công nhân Nông trường caosu Thuận Phú.
Bi kịch gia đình Trung bắt nguồn từ sự ghen tuông của bố Trung. Khi Trung 3 tuổi, một đêm, bố Trung trở về nhà, người nồng nặc mùi rượu. Cơn ghen điên loạn tích tụ lâu ngày nổi lên, bố em đã dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ khiến chị chết ngay tại chỗ. Trung bị chém vào lưng, đứt cột sống. Bố Trung bị kết án chung thân.
Chỉ trong tích tắc, Trung đã mất đi cả gia đình, mất đi cả đôi chân, và có lẽ là những hạnh phúc cá nhân mà ai cũng được hưởng. Từ đó, Trung sống với ông bà ngoại. Còn tình cảm phía họ hàng bên nội, cũng đã bị nhát dao oan nghiệt đó chặt đứt.
"Ký ức của em chỉ là một màn sương mờ ảo. Lúc đó, em còn quá nhỏ, không nhớ được gì hết. Mãi đến khi đi học lớp 1, bạn bè trêu chọc: "Sao chân của tao chạy được mà chân của mày lại không chạy được", em mới nhận ra nỗi bất hạnh của mình" - Trung nhớ lại.
Không thể kể hết những đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn của cậu học trò nhạy cảm. Em thu mình vào để sống. Những giờ ra chơi, nhìn các bạn chạy nhảy vui đùa mà em ứa nước mắt. Em chỉ mở lòng mình thực sự khi được đắm mình trong những trang sách.
Những năm học tiểu học, cậu học trò sáng dạ ấy đều đạt học sinh giỏi. Nhưng, sự ham học của em luôn bị những nỗi đau thể xác phá rối, giày vò. Những lần trái gió, trở trời, chiếc xương sống lại hành hạ em, khiến em đau đến bật khóc! Đã nhiều lần em phải bỏ học vì không chịu nổi những cơn đau thấu xương cốt ấy.
Cô Nguyễn Phương Nhung - giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Quang Trung - kể: "Nửa dưới cơ thể không còn cảm giác, khiến Trung giữ thăng bằng rất khó khăn. Nhiều lần, đang học, Trung bỗng lăn đùng xuống sàn". Nhớ lại những lần đứng lớp, cô Nhung ấn tượng mãi về cậu học trò nhỏ thông minh, sáng dạ. "Tuy đứng dậy khó khăn, nhưng Trung rất hăng say phát biểu. Những lúc đó, một bạn khác sẽ đứng ra "giúp việc" bằng cách viết lên bảng những cách giải mà Trung đọc" - cô nói.
Nỗi đau ấy khiến nhiều lần Trung chịu không thấu, phải nghỉ học. Năm lớp 10, Trung được chọn vào đội tuyển lý, nhưng mỗi lần ngồi học lâu, em lại bị đau đớn, khiến em phải xin thầy giáo cho em nghỉ học ở đội tuyển lý. Sau, em chuyển qua đội tuyển tin học, nhưng "trưa 2.10, em đã xin thầy giáo nghỉ rồi. Sức em không theo được" - Trung nói như khóc.
Bao nhiêu tháng ngày Trung vẫn vững vàng trên đôi chân tật nguyền của mình để nuôi giấc mơ được học hành, nhưng không phải không có lúc em yếu mềm, muốn buông xuôi tất cả. Đó là năm lớp 10, khi bắt đầu học kỳ 2, em đã bỏ học đến 1 tháng rưỡi. Lúc ấy, em suy sụp ghê gớm. Những đớn đau, cảm giác như những con dòi bò trong xương tuỷ, khiến em buông xuôi hoàn toàn. Mình lại tật nguyền nữa, học hành để làm gì, nơi nào người ta sẽ nhận?
Nhưng chính lúc tuyệt vọng ấy, ông ngoại của Trung đã luôn ở bên cạnh động viên Trung đứng dậy bước tiếp. Ông chỉ nhỏ nhẹ nói với em: "Ông đã dành cả phần đời còn lại để chăm sóc cháu. Cháu đừng để ông thất vọng". Trung gạt nước mắt. Đúng vậy. Phải bước tiếp. Vì mình! Vì ông ngoại và vì những người tốt xung quanh mình nữa!
Tuổi già của ông dành cả cho cháu
Nhìn ông ngoại Trung, ông Lê Văn Khôi, dù đã 68 tuổi rồi mà vẫn không giây phút nào được an nhàn, lúc nào cũng tất bật lo cho cháu, khiến tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Tuổi của ông, đáng lẽ đã được ngơi nghỉ sau cả cuộc đời vất vả, vậy mà... Lưng của ông còng xuống, như do phải gánh thêm nỗi lo cho người cháu tật nguyền.
Từ khi mẹ Trung mất, bố Trung đi tù, ông Khôi đã quyết định dành phần đời còn lại để chăm sóc người cháu tật nguyền. Hồi Trung còn nhỏ, ông là hiệu trưởng của trường tiểu học, vậy là ông đạp xe đến cơ quan làm việc, còn cháu ngồi sau lưng.
Ông Trung đang chăm sóc cháu |
Có đợt, nhà trường đã dành cho hai ông cháu chỗ ở trong ký túc xá, nhưng vì bất tiện, nên hai ông cháu lại sáng đi tối về, rong ruổi trên xe máy. Bắt đầu từ tháng 8 năm nay, hai ông cháu thuê một nhà trọ nho nhỏ, giá 300.000đ/tháng nằm sát bên trường Trung đang học. Hai ông cháu phải mất thêm 100.000đ tiền điện nước.
Vào nhà trọ của hai ông cháu phải đi qua một khu vườn um tùm cây cối. Căn phòng trống huơ hoác bốc lên mùi khai nồng. Ông Khôi giải thích: "Trung không còn cảm giác nửa người dưới nữa, nên không biết được khi nào tiểu tiện, đại tiện. Trung phải quấn một cái "tã" như trẻ con hay dùng, để nước tiểu sẽ tự động ngấm vào đó". Còn việc đại tiện thì cứ hai ngày một lần, ông Khôi lại phải dùng nước xịt rửa vào hậu môn để kích thích, Trung mới thải ra được.
"Đã nhiều bác sĩ xem xét vết thương cho Trung, nhưng đều lắc đầu, bó tay. Họ bảo, giá mà được chữa trị sớm hơn, khi Trung còn nhỏ" - ông buồn bã, nói. "Tôi như một người phục vụ cháu. Sáng dậy nấu cơm, cho cháu ăn, buổi trưa nấu cơm, chờ cháu về rồi ăn. Tối cũng vậy. Hôm nào mưa thì phải "thân chinh" ra đón cháu" - ông Khôi kể về một ngày như mọi ngày của mình.
Anh Lý Thành Tâm - Hiệu phó của Trường THPT Quang Trung - ái ngại: "Nói dại, nếu sau này ông Khôi mất đi, thì ai sẽ chăm sóc Trung?
Ông Khôi bảo: "Tôi với nó chỉ nấu cơm, còn thức ăn thì mua bên ký túc xá của trường. Vậy mà một ngày cũng mất đứt 30.000đ rồi". Với đồng lương hưu ít ỏi, ông phải vun vén lắm mới đủ chi tiêu cho hai ông cháu. Đợt đầu năm học mới vừa rồi, mua sách giáo khoa hết nhiều tiền, khiến hai ông cháu "cháy túi". "Tôi đang định đi bán vé số để kiếm thêm tiền, nhưng mà vẫn còn... ngại vì ngày trước, mình là hiệu trưởng của trường tiểu học, vậy mà bây giờ đi bán vé số... Nhưng mà chắc là vài ngày nữa cũng sẽ phải đi thôi" - ông trầm ngâm.
Trung ngồi cạnh ông, nhìn ông ngoại với niềm yêu thương vô hạn. "Em mơ ước được theo học ngành công nghệ thông tin. Em biết có nhiều anh bị tật nguyền còn nặng hơn em, nhưng vẫn cống hiến nhiều cho cuộc sống với chiếc máy tính. Em mong tự kiếm sống được để ông ngoại bớt khổ" - đôi mắt Trung sáng lên khi nói về dự định trong trẻo của mình.
Tôi hỏi ông Khôi: "Ông à, đã bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi chưa?". Ông cười hiền lành: "Nếu mệt mỏi thì đã chẳng cho thằng Trung đi học, mà hai ông cháu đã ở quê cho yên phận rồi. Tôi quyết sẽ nuôi Trung vào đại học, theo nguyện vọng của nó là học ngành công nghệ thông tin. Nếu Trung vào đại học, tôi sẽ theo Trung xuống TPHCM để nuôi cháu ăn học" - ông quả quyết. Tôi ái ngại cho ông. Tuổi già đã hằn dấu trên khuôn mặt, trên bước chân ông. May mà, những năm vừa rồi, ông không ốm đau, nếu có thì không biết xoay xở ra sao.
Ông nói giọng hồ hởi như Trung đã thực sự vào đại học: "Nếu Trung tốt nghiệp đại học, mong những tổ chức của người khuyết tật lưu tâm đến hoàn cảnh của cháu để cháu có một nghề nghiệp có thể nuôi sống nó. Tôi cũng dự định sẽ đến gõ cửa những nơi này để lo cho cháu".
Chặng đường cho người ông già cả và người cháu tật nguyền vẫn còn dài lắm, ở phía trước...
No comments:
Post a Comment