Monday, 25 July 2011

Nơi nhặt chữ cho con công nhân

Hành lang biến thành lớp học tự bao giờ...
(LĐ) - Cách đây không lâu, Báo Lao Động đã nêu lên một thực trạng xót xa: Những đứa trẻ theo bố mẹ đến Bình Dương làm công nhân (CN), thay vì mang cặp sách đến trường, lại bị "cách ly" với con chữ, nhiều bàn tay quen cầm vé số nhưng lạ lẫm với cây bút.

Vì vậy, khi được nhìn thấy những ánh mắt sáng ngời của các em tại lớp học tình thương dành cho con CN thất học tại khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước I (huyện Bến Cát, Bình Dương), tôi thấy thật ấm lòng.

Nhà ăn, hành lang thành nơi "gieo" chữ

Nhà trẻ Mai Phước khang trang nhưng khiêm nhường tại đường D12, ấp 6 xã Thái Hòa, Bến Cát. Ngôi nhà này thuộc Tu hội nữ tử bác ái Vinh Sơn, nằm giữa KCN Mỹ Phước I, nơi có hàng chục nghìn CN đến đây mưu sinh. Điều đặc biệt là nhà trẻ này chỉ nhận trông con của CN nhập cư.

Nơi đây không chỉ trông trẻ, mà còn là nơi ngày ngày vang lên tiếng đánh vần "a, bờ, cờ" của những đứa trẻ vốn dĩ bị rơi rớt chữ, là con của CN.

"Chúng con chào chú ạ"- tiếng chào đồng thanh từ những đứa trẻ đen nhẻm, nhưng mắt thì sáng trong dành cho người khách lạ khi tôi bước vào "lớp" (lớp 1), mà thực chất là hành lang của nhà trẻ, khiến tôi bỗng nhiên vui vui lạ! Không vui sao được khi những tiếng chào lễ phép ấy từ những gương mặt hình như tôi đã gặp ở đâu đó, nơi đường phố, chỗ bới rác, với bụi bặm phố xá đã nhuốm vào các em.

Bỏ dở nét chữ, vẫy tay ra hiệu học trò ngồi xuống, "cô giáo" Nguyễn Thị Hải phân trần: "Không kiếm nổi phòng nào để học nên cô trò đành tận dụng hành lang này. Bàn ghế thì dùng "ké" của các cháu nhà trẻ".

Lớp 1 dự bị của cô Nguyễn Hồng Cẩm lại nằm gọn trong nhà bếp. Gọi là dự bị bởi phải học tại đây một thời gian, các em mới được lên lớp 1 "chính thức". Đây vốn là nhà bếp của những CN thuê trọ ở đây. Cả hai lớp học đều thông tầm, bởi không thể để học trò vốn đã lớn tồng ngồng, nhiều em quen cái "hơi" của đường phố chơi cùng với các cháu mẫu giáo.

Mỗi buổi sáng, cô Cẩm lại phải lụi hụi đến sớm để dọn dẹp, lau chùi nhà bếp, sắp xếp ghế để "biến" thành lớp học; dạy xong, cô lại phải luôn tay để "trả lại nguyên trạng" cho nhà bếp.

Xơ Lê Vân, người phụ trách các lớp tình thương này cho hay: Hiện nơi này có ba lớp 1, còn lớp 2-3-4, mỗi lớp có một. "Các em đều từ 7 đến 17 tuổi, đa số các em đã quá tuổi đi học nhưng khi bắt đầu vào đây, trong đầu nhiều em vẫn chưa có chữ gì"- xơ thở dài.

Lúc đầu, các em được học trong lớp ghép, rồi sẽ phân ra các lớp nữa tuỳ vào khả năng của các em. Các em chỉ phải đóng học phí 20.000đ/tháng, sách vở thì ngoài các xơ vận động được, còn lại phải tự mua.

Những người thiện nguyện

Cô Nguyễn Thị Hải không khỏi bực mình khi đống rác trước cửa nhà mình cứ không để mắt một chút là lại tung tóe. Nhưng khi biết được đó là "hậu quả" của những đứa trẻ con CN sống trong KCN này, khi phải đi bới rác, thì nỗi bực mình ấy biến thành niềm thương cảm. Tại sao các cháu đang tuổi ăn, học, lại đang sống cùng người thân, mà lại như những Gavơrốt như vậy? Lân la hỏi có muốn đi học không, nhiều đứa rụt rè dạ có, khiến cô bỗng tự hỏi, tại sao lại không gom các cháu lại để gieo chữ? Một công, đôi việc?


Đấy là câu chuyện vào tháng 11.2008. Đem ý tưởng này đến gõ cửa nhà trẻ Mai Phước, cô Hải nhận được sự ủng hộ hai tay của các xơ ở đây. Thế là các xơ cùng cô Hải bắt đầu "tuyển sinh", thuyết phục phụ huynh cho con mình đi học. Lúc đầu, nhiều bậc phụ huynh còn nghi ngại, hơn nữa lại tối mắt tối mũi trong cơm áo gạo tiền, nên chỉ "gom" được 10 em. Sau đó, "tiếng lành đồn xa", phụ huynh đưa các em ghi danh học ngày càng đông, để tránh quá tải, các cô "chốt" ở con số 70 em.
Cô Cẩm đang dạy học các em

Từ đó, cô Hải, vốn là một chủ nhà trọ, bắt đầu công việc mà chồng cô vẫn gọi vui là đi dạy "đại học năm thứ nhất". Vốn liếng của một người từng học ĐH Văn khoa trước năm 1975 cũng chưa làm cô đủ tự tin, cô phải tự mình mua các sách dạy thiết kế bài giảng toán, văn cho học sinh lớp 1. Sáng sáng, bà chủ nhà trọ thu vén việc nhà, soạn giáo án, rồi xách chiếc cặp laptop (nhưng đựng sách) để "đứng lớp". Hiện nay, có bốn giáo viên tình nguyện cùng với một xơ trực tiếp dạy cho các em.

Tốt nghiệp khoa Anh văn Trường Sư phạm Hồng Bàng năm 2005, trước khi chuyển về KCN Mỹ Phước với chồng, cô Nguyễn Hồng Cẩm đã dạy học ở TPHCM một thời gian. "Lúc các xơ nhờ dạy thì tôi đang nuôi con nhỏ, nhà lại mở quán Internet, nên tôi từ chối. Các xơ liền nói với tôi dạy thử một tuần đã. Tiếp xúc với các em, thấy các em thật tội nghiệp khiến tôi không nỡ lòng bỏ"- cô Cẩm nhớ lại.


17 tuổi mới học lớp... 1

Tại lớp của cô Hải, tôi để ý đến cậu bé lớn tồng ngồng ngồi ở cuối lớp, đang hý hoáy viết chữ trên cái bàn vốn để... ăn. Hỏi chuyện, em chững chạc kể tên là Trịnh Hoài Phương Long, năm nay 15 tuổi. Quê em ở huyện Phù Cát, Bình Định, sau đó sống ở TPHCM và mới chuyển lên Bình Dương từ đầu năm nay. Bố em là CN may, mẹ em mưu sinh bằng sạp quần áo ngoài đường. "Ơt thành phố, em có vào học hết lớp 1, đến đầu lớp 2 thì gia đình khó khăn quá nên em phải bỏ"- em kể.

Vì là người "cao tuổi" nhất lớp, nên Long được giao trọng trách lớp trưởng. Hỏi, Long không ngại khi học cùng với các em nhỏ xíu sao, Long bảo nếu học ở trường thì ngại thật, còn ở đây thì không, vì cũng có một số bạn khác bằng tuổi với Long. Hỏi mơ ước của Long, em ngập ngừng: "Em sẽ trở thành... chưa biết gì hết (cười ngượng). Thực ra, có khi em nằm mơ em thành người hát hay nhất, nhưng tỉnh dậy thấy... cao quá nên em thôi không nghĩ đến nữa"- Long cười trừ.

Ngồi cạnh Long là em Sơn Văn Nhiều, 13 tuổi, dân tộc Khmer, quê ở Cà Mau. Học hết lớp 1 ở quê thì không ai lo cho em ăn học, thế là bố mẹ phải rước lên đây và em... thất học. Buổi sáng đi học, buổi chiều, em vẫn đi lượm ve chai.

Tôi cũng vui lây niềm vui của cô Cẩm khi cô nói rằng các em vào đây được uốn nắn nên đã biết lễ phép với người lớn, "gọi dạ, bảo vâng". Cô âu yếm nhìn em tên là Lý Chọt, rồi bảo: "Hôm nọ tôi mua cho cháu bộ sách vở hết 20.000đ, vậy mà sau đó, bất ngờ cháu mang 10.000đ nói với cô là trả trước một nửa, rồi sẽ trả dần dần. Hỏi lấy tiền ở đâu, cháu nói là đi lượm ve chai. Lăn lóc trên phố, vậy mà lòng tự trọng nơi em khiến tôi phải bất ngờ".

Xơ Lê Vân thì cho hay mỗi sáng thứ bảy, các xơ lại quy tụ các em đường phố, kể cả những em không học tại đây, để dạy cho các em "hai giờ nhân bản", vừa chơi đùa, vừa cho các em hiểu những cái "lễ" cơ bản nhất.

Những đứa trẻ không giấy khai sinh

Xơ Lê Vân lần giở tập hồ sơ "theo dõi" các em, ngậm ngùi tổng kết: Có 70 em thì có tới hơn một nửa là... không có giấy khai sinh. Nhiều trường hợp là con của CN, nhưng bố mẹ chưa có giấy đăng ký kết hôn, mà muốn có thì phải về quê, mà về quê lâu quá thì bị mất việc, hơn nữa lại tốn kém nên nhiều bố mẹ chấp nhận... ở vậy. Nhiều trường hợp bị mất giấy khai sinh, nhưng muốn làm lại thì cũng phải về quê, nên lại đành... bỏ qua.

Không có giấy khai sinh là một vật chướng để xin cho các em đến trường học chính thống. Cô Hải mong mốn có cách nào đó làm giấy khai sinh nhanh hơn để đảm bảo quyền lợi cho các cháu.

Tôi nhìn các em, rồi nhìn lên những nhà máy nằm san sát trong KCN. Những người CN tuy đang góp phần làm nên sự phồn vinh của tỉnh, nhưng dường như, họ chưa nhận được sự quan tâm, ưu đãi thỏa đáng, trong đó có việc học hành cho những người con của họ. Thực tế, tại tỉnh Bình Dương, các KCN mọc lên nhưng không đồng nghĩa với việc tăng lượng trường học, cùng những ưu đãi đối với việc học hành của con CN.


Lớp học tình thương như một đốm lửa sáng lên, nhưng tôi nghĩ, tại tỉnh, còn biết bao những Phương Long, những Lý Chọt... đang ngày ngày "lang thang cùng gia đình" như một khái niệm của một cán bộ sở LĐTBXH nói, mà trong đầu không có lấy một cái chữ. Sẽ là một gánh nặng rất lớn sau này nếu như xã hội không có sự chăm lo một cách thỏa đáng và gốc rễ.

Đoàn Tất Thảo

No comments:

Post a Comment