Thursday 1 September 2011

“Quả bom” ô nhiễm nổ chậm


“Từ năm 2007 đến nay, xã đã nhận được hơn 200 đơn kêu cứu của người dân về tình trạng ô nhiễm từ khu cng nghiệp (KCN) Việt Hương 2”- ông Đặng Văn Thọ- cán bộ địa chính- tài nguyên môi trường xã An Tây (Bến Cát, Bình Dương) cho biết. Người dân bức xúc bởi phải chịu đựng mùi hôi thối kinh người từ KCN; rất nhiều hộ phải mua nước đóng chai để ăn, uống bởi kinh sợ nguồn nước ngầm ô nhiễm nơi đây.   ô
Tanh như…xác chết
Ông Nguyễn Văn Thu, một người dân xã An Tây bức xúc: “Hàng ngày chúng tôi phải chịu đựng mùi tanh như xác chết, cay, hôi. Nhiều người ngồi trong cửa kính, hoặc cách xa KCN vài km mà vẫn nghe thấy mùi. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, nhưng thối vẫn… hoàn thối”. Mùi thối kinh khủng nhất là từ 5- 8 giờ sáng và từ 18- 21 giờ hàng ngày; khi trời mưa thì mùi thối lại càng dữ dằn hơn. Người dân phản ánh: nếu không thở thì…chết, mà thở thì mang bệnh; đa số người dân mắc phải các bệnh như viêm mũi, khó thở, ho, da xanh tái…
Không chỉ chịu đựng mùi thối, đa số người dân sống gần cổng KCN còn không thể dùng nguồn nước ngầm. Chị Nguyễn Thị Phượng (ấp Lồ Ồ), sống cạnh cổng KCN cho biết: Khoảng hai năm nay, nước giếng bơm lên có màng như dầu mỡ, màu vàng đục, hôi rất khó chịu. Từ đầu năm nay, tình hình càng trầm trọng hơn. Gia đình chị chỉ dám dùng nước giếng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải dùng nước bình (12.000 đồng/bình). Thường thì một ngày chị dùng hết một bình. Đại đa số hộ sống cạnh cổng KCN phải chịu cảnh như chị Phượng.
Chúng tôi đã có buổi thực địa trong KCN Việt Hương 2. Tại bờ tường Cty TNHH Yi Sheng (chuyên thuộc da), mặc dù đã đeo khẩu trang, nhưng mùi hôi khó tả từ dòng nước thải chảy ra cống vẫn khiến chúng tôi sởn gai ốc. Ngoài ra, còn có Cty kỹ nghệ sinh hóa Việt Khang. Được biết, Cty này thu gom vỏ cua, sò ốc rồi dùng axit ngâm, tẩy, phơi khô để làm thuốc.
Ngày 8.7.2009, Cty Việt Khang đã bị Thanh tra của Ban quản lý các KCN Bình Dương xử phạt hành chính 32 triệu đồng, do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép (cụ thể: nồng độ COD vượt tiêu chuẩn cho phép 513 lần, BOD5 vượt 465 lần).  Ngoài ra, quá trình sản xuất đã phát sinh các chất thải rắn như: tro, than, bao bì đựng nguyên liệu, hóa chất, nguyên liệu phế thải, bùn từ hệ thống xử lý nước thải. Các chất này được để ngoài trời, không có mái che, khi trời mưa, các chất gây ô nhiễm hòa vào nước mưa chảy ra môi trường gây ô nhiễm. Cùng ngày, Cty thuộc da Yi Sheng cũng bị phạt 17 triệu đồng vì những vi phạm tương tự. Rõ ràng, mức phạt trên là quá nhẹ đã không đủ sức răn đe các Cty vi phạm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ngày 15.7.2009, UBND xã An Tây kết hợp cùng Ban quản lý môi trường trong KCN Việt Hương 2 tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm môi trường đối với Cty TNHH sinh hóa Việt Khang với hành vi xả nước thải tràn qua cống nước mưa tập trung của KCN, nhưng giám đốc Cty Việt Khang không ký vào biên bản. Kết quả thử nghiệm mẫu nước tại cống nước mưa của Cty đang xả vào công nước mưa tập trung của KCN cho thấy vượt nồng độ cho phép.
Ngày 6.8.2009, UBND huyện Bến Cát đã có công văn gửi Ban Quản lý các KCN Bình Dương nêu lên những bức xúc của người dân, đồng thời đề nghị khẩn trương tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời đối với 2 Cty nói trên; tăng cường công tác kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các DN trong KCN Việt Hương 2 để không xảy ra tình trạng ô nhiễm như thời gian vừa qua.  
“Bom nổ chậm”
Phó Chủ tịch xã An Tây Dương Văn Lá cho biết sau khi nhận đơn của người dân, xã đã tổng hợp để gửi lên UBND huyện, Sở TNMT, và Ban quản lý các KCN, nhưng đến giờ tình hình vẫn chưa được cải thiện. Một thông tin ông  đưa ra thực sự khiến chúng tôi bất ngờ và lo ngại, đó chính là KCN này chưa có…“đầu ra” cho nước thải, tức nước thải từ KCN này không biết đấu nối vào đâu. Sau khi xử lý nước, do không có đường ống thải nên KCN thải ra một…bãi đất, rồi từ đó nước ngấm xuống mạch nước ngầm. “Mà không biết nhà máy xử lý nước thải có hoạt động thường xuyên không”- ông Đặng Văn Thọ tiếp lời. Được biết, trước đây, KCN có đào một cái hồ rộng khoảng 1 ha để chứa nước thải sau xử lý, nhưng sau khi người dân phản ứng vì quá hôi thối, cơ quan chức năng đã buộc KCN phải lấp đi. Thời điểm còn hồ, tuy đã qua xử lý, nhưng qua kiểm tra, nồng độ nước trong hồ đều ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn cho phép.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi thực sự lo ngại khi biết rằng: hiện KCN rộng hơn 197ha  này có 37 dự án (13 đã hoạt động), thì phần lớn là những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong đó có tới 9 dự án thuộc da và gia công các loại da thuộc (2 đang hoạt động, 7 đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị xây dựng). Bên cạnh đó, còn có 6 dự án dệt nhuộm, trong đó 2 đã hoạt động. Các dự án khác cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như: sản xuất túi nhựa, các sản phẩm về nhựa, sản xuất các loại dung môi hữu cơ, vỏ hải sản đã qua sơ chế… Nói đây là một “quả bom nổ chậm” về ô nhiễm cũng không quá! Nếu không được “gỡ ngòi nổ” thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường! Mới chỉ vài công ty đi vào hoạt động mà người dân đã kêu trời, thì không hiểu họ sẽ sống ra sao khi tất cả các dự án trên đi vào sản xuất?

No comments:

Post a Comment