Friday 5 August 2011

Vì sao tạm dừng thi công Trung tâm điện lực Thái Bình?


Hơn 4 tháng nay, việc san lấp mặt bằng Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình (tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) rơi vào tình cảnh giậm chân tại chỗ do người dân ngăn cản đơn vị thi công, vì cho rằng mức đền bù, hỗ trợ ruộng đất bị thu hồi của xã chưa thoả đáng.

“Treo” thi công hơn 4 tháng

Những ngày này, tại nơi dự kiến sẽ mọc lên Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, chỉ là khung cảnh vắng lặng, không có bóng dáng của công nhân thi công; máy móc trên công trường không hoạt động. Duy còn hạng mục đường vào trung tâm vẫn đang được xây dựng. Dự kiến, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được khởi công xây dựng trước (vào tháng 5.2010). Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 8.2010, nhà máy vẫn chưa thể khởi công như dự kiến.

Theo báo cáo của Sở Công Thương ngày 18.6.2010, thì tổng khối lượng thi công san lấp mặt bằng 2 nhà máy đã đạt gần 4 triệu mét khối, trong đó mặt bằng nhà máy 1 đã thực hiện được gần 98% kế hoạch; mặt bằng nhà máy 2 đã đạt 64,61% kế hoạch. Như vậy, khối lượng công việc của hạng mục san lấp mặt bằng trung tâm đã đạt khoảng 80% kế hoạch. Từ ngày 16.4.2010, một số người dân xã Mỹ Lộc ra cản trở thi công trên công trường, khiến hạng mục san lấp mặt bằng phải dừng lại. Ngày 20.5.2010, khi tiến hành khoan thăm dò khảo sát địa chất trên công trường, một số người dân xã Mỹ Lộc lại kéo ra ngăn cản.

Nguyên nhân khiến người dân Mỹ Lộc ngăn cản thi công là bởi họ cho rằng mức đền bù, hỗ trợ ruộng đất bị thu hồi là chưa thoả đáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng nửa đầu năm 2009, chính quyền tiến hành công bố, đưa ra mức giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất tại xã Mỹ Lộc. Mức giá bồi thường mà tỉnh Thái Bình áp dụng khi thu hồi đất xây dựng dự án là 36.000 đồng/m2. Tổng cộng cả bồi thường và hỗ trợ là 90.000 đồng/m2 đất thu hồi.

Được biết, toàn xã Mỹ Lộc có 6/7 thôn bị thu hồi đất, trong đó có 4/7 thôn mất 100% diện tích hai lúa; 2/7 thôn mất 50% diện tích đất hai lúa.

Một số người dân xã Mỹ Lộc cho rằng, mức trên là chưa công bằng, bởi người dân xã Thái Thọ bên cạnh bị thu hồi đất (để làm hạng mục đường vào trung tâm) với tỉ lệ ít hơn nhiều, không mất từ 50-100% đất như người dân xã Mỹ Lộc) mà vẫn được trả là 90.000 đồng/m2(?!). Được biết, người dân xã Mỹ Lộc nhận tiền chi trả ở đợt trước so với xã Thái Thọ. Người dân xã Mỹ Lộc kiến nghị phải tách hỗ trợ riêng, không được tính vào giá đền bù đất; và trả tiền đền bù đất theo mức 90.000 đồng/m2.

Vận động dân nhận thêm tiền hỗ trợ

Trả lời những thắc mắc của người dân, Giám đốc Sở Công Thương Đào Minh Hải – Tổ trưởng Tổ Công tác KH 25 của UBND tỉnh trong văn bản trả lời dân cho biết, Nhà nước bồi thường là theo mức giá bồi thường được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3705/QĐ- UBND ngày 31.12.2008 (về mức giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình). Về mức hỗ trợ, ngoài những hỗ trợ theo chính sách chung của tỉnh áp dụng như các địa phương khác, nhân dân xã Mỹ Lộc còn có những khoản hỗ trợ khác (như thưởng tiến độ, hỗ trợ lương thực…), nên cả tiền hỗ trợ và bồi thường là 90.000 đồng/m2. “Không thể tách hỗ trợ riêng và không có căn cứ để bồi thường 90.000 đồng/m2”- văn bản trả lời dân khẳng định.

Văn bản này cũng lý giải: “Đường vào trung tâm điện lực cũng là một hạng mục của dự án, nên UBND tỉnh quyết định bồi thường và hỗ trợ (thu hồi đất tại xã Thái Thọ- PV) tương tự như Mỹ Lộc: 90.000 đồng/m2”. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thấy thoả đáng với trả lời trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, tỉnh đã có chủ trương tăng thêm 12.000đ/m2 tiền hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất của xã Mỹ Lộc. Như vậy, tiền bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất tại xã Mỹ Lộc từ 90.000 đ/m2 sẽ tăng lên 102.000 đ/m2.

Ngày 29.8, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy Nguyễn Trọng Khiêm cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân bị thu hồi đất ở xã Mỹ Lộc nhận thêm tiền hỗ trợ (tức 12.000 đ/m2); nếu được thì sẽ tiếp tục tiến hành thi công vào ngày 5.9”.

Nhiều người dân xã Mỹ Lộc cho biết: “100% người dân trong xã nhất trí hoan nghênh cao (về chủ trương thực hiện dự án nhiệt điện này)”. Như vậy, vấn đề nằm ở tiền hỗ trợ, đền bù đất bị thu hồi cho người dân. Chính quyền và người dân cần tìm ra phương án đạt được sự hài hoà giữa các bên, để tiến độ dự án không bị ảnh hưởng, tránh mất an ninh, trật tự tại địa phương và thiệt hại cho chủ đầu tư.
Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình được khởi công san lấp mặt bằng vào tháng 5.2009, có quy mô công suất 1.800MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD, tổng diện tích 254ha. Dự án gồm 2 nhà máy nhiệt điện đốt than: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, chủ đầu tư là Tổng Cty Điện lực VN (EVN) với 2 tổ máy phát điện, công suất mỗi tổ 300MW; dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chủ đầu tư là Tổng Cty Điện lực dầu khí VN (PV Power) gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 1.200MW. PV Power cũng được cho phép đầu tư các hạng mục hạ tầng dùng chung tại trung tâm này. Với tổng công suất trên, 2 nhà máy sẽ cung cấp một lượng điện năng rất lớn cho Thái Bình và các tỉnh lân cận; đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã  hội của tỉnh.

No comments:

Post a Comment