Tuesday 26 July 2011

Chuồn chuồn tre xuất ngoại

Anh Hảo đang làm chuồn chuồn tre
Anh Hảo ngồi chênh vênh nơi mép giường, đôi bàn tay khẳng khiu lẩn mẩn vót khoảnh tre để làm thân con chuồn chuồn. Thân hình anh nhỏ thó, quắt queo, hai chân, hai tay dường như bị đông cứng lại trong cái khung vô hình.

32 năm nay, anh không thể đi lại bằng đôi chân của mình. “Mình còn sống, ngồi đây, còn nói chuyện được như giờ, còn được làm bạn với đống chuồn chuồn tre này, là nhờ chị của mình” - trong suốt buổi nói chuyện, anh Hảo cứ nhắc đi nhắc lại điều đó, như sợ tôi vô tình quên.

Làm bạn với giường

Trong ngôi nhà nhỏ bé tại thôn An Lạc 2, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, anh Hảo ngậm ngùi kể lại cho tôi quãng đời làm bạn với giường của mình. Tên đầy đủ của anh là Bùi Văn Hảo, sinh năm 1960. Khi ra đời, anh là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Chỉ đến khi 10 tuổi, anh bắt đầu thấy những cơn đau như những cơn sóng gợn trong cơ thể. Với sự hồn nhiên con trẻ, anh chỉ nghĩ rằng “đau vớ vẩn”. “Thế nhưng, năm 13 tuổi, những cơn đau ngày càng tấn công mình dữ dội hơn và một hôm, mình không thể đứng trên đôi chân của mình nữa” - anh kể lại.

Các bác sĩ khám bệnh và kết luận rằng, anh bị viêm đa khớp dạng thấp, rồi họ tiêm thuốc cho anh, anh đi lại được, nhưng những cơn đau vẫn âm ỉ. Anh bảo: “Hồi đấy, dù là trẻ con, nhưng mình đã biết rằng, căn bệnh này có thể khiến mình chết bất cứ lúc nào. Mình nghe người lớn nói rằng, căn bệnh này thường “chạy” vào tim, có người chỉ sống được 5 - 7 năm sau khi phát bệnh”.
Anh Hảo đang làm những con chuồn chuồn tre.
Anh Hảo đang làm những con chuồn chuồn tre.

Anh đã không chết, nhưng vào mùa đông năm 1978, khi anh mới 18 tuổi, trước ngưỡng cửa của đời người, đôi chân anh đã “chết”, anh không thể đi lại được nữa. Từ một chàng trai cao to, khỏe mạnh, người anh teo tóp dần. Khỏi phải nói, khi đó, anh suy sụp thế nào. Sự suy sụp từ thể xác, nhưng đau đớn hơn là sự gục ngã về tinh thần. “Nhìn bạn bè được đi học nọ kia, trong khi mình cũng thuộc hàng “top ten”, vậy mà phải nằm một chỗ, nghĩ cực thân lắm, nhiều lúc muốn buông xuôi, không cho mình được quyền tồn tại nữa” - anh buồn bã kể lại. Những cơn đau dai dẳng, triền miên hành hạ anh từng đêm, day dứt đến từng tế bào của anh, khiến anh không thể ngủ được, sức khỏe tàn tạ.

Nhưng rồi, qua thời gian, những cảm xúc đó cũng nguôi ngoai dần. Vậy là từ đó đến nay đã tròn 32 năm, anh làm bạn với giường và để giết thời gian tưởng chừng như vô tận, anh làm bạn chung thân với những quyển sách. Giờ thì chân tay anh bị di chứng của bệnh, mà người ta hay gọi là bị khoèo: Tay anh không thể vượt qua nổi trán, chân như đã bị “đóng băng” lại.

“Chị tôi”

Câu chuyện giữa anh Hảo và tôi bị đứt đoạn giữa chừng khi một người phụ nữ còn nhỏ thó hơn cả anh Hảo, còng lưng đẩy xe chở cỏ vào sân. Anh Hảo liền nhanh nhảu giới thiệu với tôi: “Chị gái tôi đấy, cả dân làng đều biết, rằng tôi sống đến được bây giờ đều nhờ vào chị cả”. Gương mặt chị sạm đen, quắt lại, trông già hơn nhiều so với tuổi của mình. Thật khó tin, rằng mọi chuyện từ bé đến lớn trong nhà, đều qua đôi bàn tay chai sạn của chị. Không biết sức mạnh nào ẩn náu trong thân hình gày gò kia để chị vượt qua được bao vất vả, lo toan chất chồng như thế.

Qua câu chuyện của anh Hảo, tôi có cảm giác như chị như vừa bước ra từ bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Chị tên là Bùi Thị Hiền, sinh năm 1949. Khi anh bắt đầu phát bệnh ở tuổi 13, lúc đó, chính chị là người gần gũi, chăm sóc anh nhiều nhất. Anh Hảo còn nhớ như in bức thư chị viết cho anh khi anh đi lên Thái Nguyên chữa bệnh vào năm 1976. Chị bảo rằng nếu em không khỏi bệnh thì chị sẽ ở vậy nuôi em suốt đời. Không ngờ, lời trong bức thư đã linh nghiệm đến bây giờ.
Hàng chục năm nay, chị Hiền chính là người chăm sóc anh Hảo từ những việc nhỏ nhất.
Hàng chục năm nay, chị Hiền chính là người chăm sóc anh Hảo từ những việc nhỏ nhất.

Thời con gái, nhiều người đến chơi, ngỏ lời “đưa nàng về dinh”, nhưng nhìn đứa em trai khuyết tật phải nằm dính lấy giường, cha mẹ già yếu, chị lại ngần ngừ, thôi, đợi một thời gian nữa xem sao, chăm sóc cho em một chút nữa, rồi lúc đấy “sáo sang sông” cũng chưa muộn.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cái tuổi nó đuổi xuân đi, người đến với chị cũng thưa dần và vắng hẳn. Bao nhiêu mùa “hàng cau đau trái cau”, bao nhiêu “lá trầu buồn rơi”, nhưng chị lại nghĩ, mình xuất giá rồi, làm dâu là làm con gái nhà người ta, thì ai chăm sóc đứa em tội nghiệp đây?

Tuổi thanh xuân lạnh lùng đóng cửa và chị đã quyết định ở vậy nuôi em. Do anh Hảo không thể làm được việc gì, kể cả vệ sinh cá nhân, nên mọi chuyện, từ giặt giũ, nấu ăn, tắm, vệ sinh, cắt tóc, cạo râu... cho em đều rơi vào bàn tay gầy guộc, trơ ra những gân xanh của chị. Còn những việc như đồng áng, nuôi lợn, nuôi gà... là những lẽ dĩ nhiên. Ngày nào cũng như ngày nào, năm sau cũng như năm trước, chị chăm đứa em mà như người mẹ chăm con.

Kể về người chị của mình, anh Hảo nghẹn ngào: “Bố mẹ là người sinh ra mình, nhưng chính chị mới là người cho mình tồn tại đến bây giờ”. Anh Hảo cứ ân hận rằng nếu không có anh, thì chị đã có một gia đình của riêng mình như bao người khác.

Qua câu chuyện của anh Hảo, tôi được biết thêm, khi chị 40 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng, anh Hảo đã động viên chị sinh lấy một đứa con để có người chăm sóc tuổi già. Chị giãy nảy, bảo ai cũng muốn có đứa con, nhưng làm như thế, dân làng cười chê. Anh Hảo bảo: Chẳng ai cười chê chị cả. Chị như thế nào, mọi người đều biết, bây giờ, mẹ, em còn sống, sau này chết cả đi thì chị biết nhờ cậy vào ai lúc tuổi già? Cháu gái Bùi Thị Hương Dịu đã ra đời như thế. Hiện Dịu vừa đi làm may trên Hà Nội, vừa cặm cụi học thêm lớp kế toán. Tôi thầm nghĩ, Dịu như là sự đền bù của tạo hóa trước những hy sinh mà chị Hiền đã gánh chịu cả cuộc đời này.

Chuồn chuồn cất cánh sang Nhật

Anh kể lại cơ duyên chuồn chuồn tre bay đến cuộc đời anh: Hàng chục năm bị liệt ở giường, anh chỉ biết đọc sách, rồi làm tăm tre. Sau này, khi có xe lăn, thi thoảng anh còn được đi dạo ngoài đường. Thế rồi, một lần xem tivi, thấy người ta giới thiệu về con chuồn chuồn tre, anh thích lắm. Trông nó thật thân thiện, mà nhỏ gọn, rất hợp với người suốt ngày phải làm bạn với giường như anh. Thích thế thôi, chứ anh chẳng biết làm cách nào để tiếp cận với nó.

Thế rồi, vào tháng 6.2009, một người bạn cũng khuyết tật cho anh biết là trên tỉnh đang có một lớp dạy làm chuồn chuồn tre của một tổ chức phi chính phủ. Mừng húm, anh xin số điện thoại rồi liên lạc với lớp trưởng đúng hôm lớp khai giảng. Thế là anh hớt hải nhờ người hàng xóm lấy xe máy chở anh đi, còn chị ngồi sau ôm lấy anh và ôm lấy chiếc xe lăn để ra đường bắt xe ôtô lên tỉnh. Lớp học chỉ diễn ra trong 2 tháng, nhưng anh chỉ học được 7 ngày, bởi đi lại khó khăn. Anh bảo: Học được vài ngày, thì lớp trưởng nói với anh người như anh không học được đâu. Anh lặng người, chẳng lẽ mình vô tích sự thật sao? Đáng lẽ cùng cảnh ngộ, phải chia sẻ với nhau, vậy mà...

Sau đó, nhờ sự can thiệp từ người của tổ chức phi chính phủ trên, anh đã được học. Ngay trong thời gian học, sản phẩm chuồn chuồn tre của anh đã được người của tổ chức phi chính phủ trên công nhận là đạt tiêu chuẩn. Vậy là từ đó, qua tổ chức trên, anh nhận tre, rồi làm, rồi bao tiêu sản phẩm sang Nhật Bản. Làm vất vả, nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh những chú chuồn chuồn tre của mình “bay” sang Nhật, được người dân xứ Phù Tang thích thú, anh lại thấy... thích thú lây. Anh thừa nhận anh đã “phải lòng” món đồ chơi này rồi.

Ngoài khoản hỗ trợ 180.000 đồng/tháng, thì anh cũng chỉ có thể kiếm thêm mỗi tháng 300.000 - 400.000 đồng từ chuồn chuồn tre. Tuy thu nhập hơi thấp, nhưng với anh có hề gì, bởi anh được sống cùng với niềm đam mê của mình và qua đó, anh lạc quan, tự tin hơn, bởi mình đã làm được một điều gì đó thật có ích.

Đoàn Tất Thảo

No comments:

Post a Comment