Tuesday 2 August 2011

Ca trù sau lũy tre làng


Cuối năm 2006, những người làm văn hóa của tỉnh Hà Tây đã tìm thấy một nhóm 3 nghệ nhân ca trù (hát nhà trò, hát nhà tơ) đang sống khiêm nhường tại làng Chanh Thôn (Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Tây). Đó là hai đào nương Nguyễn Thị Vượn (82 tuổi) và Nguyễn Thị Khướu (80 tuổi), kép đàn duy nhất là cụ Nguyễn Văn Khoái (82 tuổi). Các cụ đều ở tuổi “như chuối chín cây”, nên cuộc chạy đua với thời gian đang diễn ra khẩn trương để gìn giữ loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian vô giá này.

MỘT THỜI VANG BÓNG

Đầu thế kỷ XIX, một nho sĩ tên là Nguyễn Văn Đỉnh đã chọn làng Chanh Thôn làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Vốn là kép đàn cừ khôi của một giáo phường lớn, nên cụ Đỉnh đã truyền đạt đàn và hát ca trù cho tất cả con cháu. Ca trù trở thành nghiệp kiếm sống của dòng họ.

 Lúc đó, làng có khoảng hơn 20 người theo nghiệp ca trù đàn hát ở nhiều nơi có tiếng và thường đưa đào kép là con cháu, chị em trong họ đi theo. Vào những năm 1937- 1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán ở vùng đông bắc Bắc Bộ.

Cụ Nguyễn Thị Khướu kể lại: “Hồi đó, chúng tôi mới 11, 12 tuổi, được tiếp xúc với ca trù từ bé, lại được các nghệ nhân kèm cặp nên đã học nghề rất nhanh”. Đến tuổi 15, bà Khướu và bà Vượn đã trở thành những đào nương mặn mà với giọng hát mê đắm lòng người. Ca trù làng Chanh Thôn đã trở thành một thương hiệu có tiếng. Làng có cụ Nguyễn Thị Ước từng được triều đình mời vào cung đình Huế để hát tiến vua và các quan lại hàng tháng liền.

Thời kỳ cực thịnh ấy cũng không tồn tại được lâu. Sau năm 1944, cả làng bị cuốn theo cơn bão táp cách mạng tháng Tám, rồi chống Pháp, chống Mỹ. Đúng vào lúc tài năng chín muồi nhất, thì bà Vượn, bà Khướu, ông Khoái phải tạm gác lại “ứ hự” tài hoa, tom chát, trống phách day dứt lòng người, đàn đáy buồn bã treo lên gác bếp. Bà Vượn, bà Khướu tham gia dân quân, du kích, phá đồn, giết địch một vài năm, rồi lập gia đình. Ông Khoái thì do sức yếu, mắt kém, nên chỉ cầm cày, cầm cuốc để kiếm sống. Ca trù đã “ngủ quên”, chỉ thi thoảng mấy nghệ nhân làng lưu luyến vẫn hát cho nhau nghe trong niềm hối tiếc khôn nguôi.

BÁU VẬT CÒN SÓT LẠI

Ca trù của làng Chanh Thôn đang trên bờ vực thẳm. Nó sẽ biến mất vào hư vô, khi mà những nghệ nhân tan biến vào đất, nếu như không có một sự tình cờ.

Cuối năm 2006, bà Đỗ Thúy Cần, cán bộ phòng văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây đã về làng Chanh Thôn để khảo sát. Một người làng đã nói với bà ở đây ngày xưa có một giáo phường ca trù. Bà rất thích, và xin được nghe các cụ hát. Với một người làm công tác văn nghệ quần chúng lâu năm, bà hiểu ngay rằng đây là một kho báu vật. Bà đã về báo cáo việc này với lãnh đạo trung tâm và GS. TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. GS rất chú ý đến việc này, yêu cầu bà Cần làm thủ tục để Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 3 cụ, đồng thời công nhận Nghệ thuật hát ca trù làng Chanh Thôn là Địa chỉ Văn hóa dân gian của Hội.

Nhưng để làm việc đó, thì phải có sự truyền dạy cho thế hệ sau. Bà Cần đã chủ động về làng, vận động lãnh đạo xã và người dân thành lập một lớp học ca trù do chính các cụ làm “giáo viên”, “nếu không nhanh, thì sẽ hối hận suốt đời vì không cứu được ca trù”- bà Cần nói. Nếu có hát mà không có đàn, thì cũng không biểu diễn được, nên nói dại, cụ Khoái mà mất đi, thì đấy sẽ là mất mát không gì bù đắp nổi. Lúc này, chưa có nguồn kinh phí tài trợ, bà Cần nói với người làng rằng, nếu tìm được nguồn tài trợ thì sẽ lấy từ đấy để trả thù lao cho các cụ, các cháu, còn nếu mà không tìm được thì bà sẽ lấy tiền nhà ra để bồi dưỡng. Khi kể chuyện này với GS Tô Ngọc Thanh, GS Thanh đã đề nghị: “Cần ơi, nếu mà như thế thì cho anh chịu một nửa nhé”.

Đến ngày 7.9, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và TS Nguyễn Xuân Diện cùng các cán bộ Trung tâm VHTT tỉnh Hà Tây đã về làng để thẩm định về việc phát hiện của bà Thúy Cần về những nghệ nhân ca trù nơi đây.

Tài năng đàn hát ca trù của những nghệ nhân đã khiến TS Nguyễn Xuân Diện phải thốt lên: “Ngỡ ngàng, ngạc nhiên là cảm xúc của chúng tôi, kể từ khi tiếng đàn, tiếng dóc phách của các nghệ nhân cất lên. Các làn điệu: Bắc phản, Hát nói, Dịp ba cung bắc, Tỳ bà hành, Gửi thư đã được trình bày trong tiếng đàn nền nã, lề lối. Vẫn còn đây tiếng phách giòn, tiếng hát vừa có vẻ đẹp khuôn phép của nhà nghề, vừa có chút ngẫu hứng nghệ sĩ của các đào nương. Mấy chục năm đã không còn đi hát, không còn được gieo lá phách, nắn phím tơ, nhưng họ chính là những nghệ nhân ca trù đích thực, là những báu vật của nghệ thuật ca trù”.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan thì nói: “Giọng hát của cụ Vượn và cụ Khướu không kém gì giọng hát của nghệ nhân Nguyễn Thị Trúc (cụ Trúc là nghệ nhân hát ca trù nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay), và hiếm có nơi nào còn lại một nhóm nghệ sỹ hát nhà tơ (ca trù) “nguyên đai nguyên kiện” với kép đàn và kép hát đều ở quá cái tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn đàn giỏi, hát hay đến thế. Ở nhiều nơi hát ca trù trong tỉnh Hà Tây nổi tiếng ngày xưa, đến nay cũng chỉ còn lại một vài nhà thờ tổ ca trù còn những kép đàn, kép hát đã thành “những người muôn năm cũ””.

Các cụ thuộc rất nhiều làn điệu ca trù. Tuổi già làm trí nhớ có giảm nhưng cứ gợi lại làn điệu nào là các cụ hát ngay được làn điệu ấy. Cụ Vượn tâm sự: “Nhiều lần xem vô tuyến, thấy người ta hát ca trù mà thèm hát quá. Họ hát ít bài lắm, tôi cứ ước được hát như họ để tôi hát nhiều bài hơn”. Hiện cụ vẫn giữ được cuốn sách ca trù rất cổ bởi cụ khi còn trẻ từng đi hát ở tận Khâm Thiên (Hà Nội).

TRUYỀN LỬA CHO THẾ HỆ SAU

Chúng tôi đến làng Chanh Thôn đúng hôm lớp học ca trù do chính các cụ là “giáo viên” đang diễn ra tại nhà ông Khoái. Ngay từ khi được tỉnh Hà Tây, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam quan tâm, người dân trong làng rất hào hứng tham gia lớp học, không phải vì tiền thù lao, mà bởi đây là mong ước đã có từ lâu của dân làng, sự quan tâm của cấp trên là nguồn động viên kịp thời để nghệ thuật ca trù của Chanh Thôn được bảo tồn và phát triển.

Lớp học này bắt đầu từ tháng 8, đến tháng 9, do các cháu bắt đầu vào năm học mới nên phải tạm dừng, và đã được khởi động lại được 2 tuần nay. Một tuần lớp học 3 buổi, thứ 4 và thứ 7, Chủ nhật. Các cháu thì chỉ tham gia vào thứ 7, Chủ nhật để không bị ảnh hưởng đến việc học văn hóa.
Lớp học gồm 2 thế hệ, mỗi thế hệ 30 người. Thế hệ 1 là những người 35-40 tuổi. Lớp thứ 2 là lớp trẻ, nhỏ nhất là 8 tuổi, lớn nhất là 16 tuổi. Những cháu nhỏ tham gia phải qua vòng kiểm tra giọng hát, rồi sự “ăn đàn” của các cụ.

Cụ Khoái cười khà khà: “Người yếu lắm rồi, mắt lại kém, nhưng đi dạy lại thấy khỏe ra vì chúng tôi đã được hát, được truyền dạy nghệ thuật này cho lớp trẻ của làng. Mấy ngày đầu, tay còn cứng nên tiếng đàn chưa được nuột nà cho lắm, nhưng giờ thì tốt rồi. Các cháu học cũng nhanh lắm, cứ đà này chả mấy mà chúng tôi hết vốn đâu”.

Học ca trù không đơn giản bởi biết bao làn điệu, bao nhiều bài hát lời cổ rất khó thuộc. Cháu Vũ Thu Trang, 8 tuổi, bẽn lẽn: “Cháu thấy khó nhất là nghe đàn để khớp với lời bài hát. Cháu mới chỉ thuộc được 2 bài là bài hát mưỡu “Ngó sen mọc chốn cát lầm” và bài hát nói “Thuyền nan nhè nhẹ” thôi. Cháu còn phải học lâu”.

Điều đáng mừng là các cụ đã phát hiện ra những giọng hát đầy tiềm năng như là cháu Trần Thị Hà và cháu Nguyễn Thạch Phượng...

Trong lớp học đàn đáy của cụ Khoái, học giỏi nhất là anh Nguyễn Hồng Ngưu. Anh có “gen” đánh đàn bởi ngày trước, ông nội anh vốn là một tay đàn đáy trứ danh. Anh cho biết, tham gia lớp bởi anh mong muốn giữ lại truyền thống của dòng họ nhà mình.

Trong sự bắt đầu được hồi sinh của nghệ thuật đàn hát ca trù đích thực nơi đây, tôi đã nhìn thấy lớp măng non kế tiếp đang nhú mầm. Sự hồi sinh này có sự đóng góp không nhỏ của những người như bà Đỗ Thúy Cần, GS Tô Ngọc Thanh…Tiếng của GS Thanh vang lên trong máy điện thoại của tôi: “Ừ, bác đã ký quyết định trao tặng danh hiệu Địa chỉ Văn hóa dân gian và phong tặng Nghệ nhân dân gian cho các cụ rồi, chỉ còn tính ngày để về trao tặng thôi”.

Ca trù Chanh Thôn đã bắt đầu cuộc hồi sinh thực sự.

No comments:

Post a Comment