Saturday 30 July 2011

“Giải cứu” những tổ ấm

"Bây giờ, cả xã chỉ còn 12 cặp vợ chồng thường xuyên "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" thôi" - Phó Chủ tịch xã Vũ Lạc (TP.Thái Bình) Nguyễn Thanh Minh "khoe" với chúng tôi.
Đó quả là một con số... ấn tượng, bởi chỉ vài năm cách đây thôi, cả xã có tới 76 hộ "cơm sôi, nhưng không chịu bớt lửa", không khí gia đình luôn "căng như dây đàn".
Thành quả ấy có công rất lớn của đội ngũ hoà giải của xã Vũ Lạc, trong đó "đầu tàu" là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đoàn Thị Thanh Ngân.
“Người thương thuyết”
Phải nhiều lần “thương thuyết”, chúng tôi mới được chị Ngân đồng ý cho gặp. Có lẽ bởi chị không muốn nói nhiều về mình. 52 tuổi, thì chị đã có thâm niên công tác tại xã Vũ Lạc 34 năm, trong đó làm công tác hoà giải tới 23 năm.

Từ 1986 đến nay, chị làm việc tại Hội Phụ nữ xã. Chị có dáng vẻ đậm đà, giọng nói đôi lúc chao chát, nhưng ẩn trong đó là sự chân thành, ấm áp, đầy tin cậy. Chúng tôi nằng nặc đòi chị kể cho nghe một vài chuyện “giải cứu” tổ ấm mà chị đã “ra tay”. Chị ngẫm nghĩ một hồi, tuồng như phải chọn lựa trong rất nhiều “ca”, rồi kể cho chúng tôi.

Cách đây vài năm, khi chị đang ngồi ở nhà thì bác của chị mặt cắt không còn giọt máu chạy về, bảo chị phải ra cứu ngay vợ anh S (ở cùng thôn). “Tất tả chạy ra, tôi chứng kiến một cảnh kinh hoàng: Trong sân nhà S, chị vợ đang bị trói cả hai chân tay, ngâm mình trong sân ngập nước giữa tiết trời tháng 12 rét căm căm, chốc chốc lại gượng ngước đầu lên để thở như cá ngáp không khí. Ông S ngồi ghế bên cạnh, mặt đỏ phừng phừng, tay cầm dao lăm lăm. Rất đông người tụ tập trước ngõ, nhưng không ai dám vào giải cứu” - chị nhớ lại mà không khỏi hãi hùng.

“Anh làm cái gì thế?” - chị xông vào rồi quát lên. “Đứa nào?” - ánh mắt đỏ ngàu thoáng chút bất ngờ rồi lại ánh lên vẻ hằn học. Chị hạ giọng: “Em Ngân đây. Em đi qua thấy đông người nên ghé vào. Chắc chị nhà có điểm gì không đúng với anh nên anh mới vậy phải không?”. Phút giây căng thẳng như đóng băng mọi người.

Thấy một người phụ nữ, lời lẽ lại có vẻ thông cảm cho mình, anh S nghĩ ngợi một chút rồi buông dao đi vào nhà. Chỉ chờ có vậy, mấy anh trai làng xông vào bế thốc chị vợ sang hàng xóm để sưởi ấm.

Một “ca” nữa cũng không kém phần gay cấn là “ca” của vợ chồng nhà anh T làm nghề giết lợn ở trong xã. Buồn bực vì cho rằng vợ để nợ nhiều, anh chồng say rượu ngất ngây liền trói nghiến vợ bằng dây điện rồi vứt vào góc nhà, mặc cho chị kêu la; hai đứa con gái chỉ biết “trốn bão” khóc lóc bên nhà hàng xóm. Anh chồng khoá chặt cổng lớn tiếng đe doạ: “Đứa nào vào nhà tao là đồ ăn cắp, tao chém chết!”. Quần áo, đồ đạc bị chất đống, đốt cháy ngùn ngụt, khét lẹt.

“T ơi, ra đây chị hỏi chút!” - chị cất tiếng gọi từ cổng. “Ai?”. “Ngân đây em à!”. “Ngân à? Bà có đồng ý vào giáo dục được vợ tôi không?”(?!). Chị gật đầu. “Được rồi, nhưng chỉ bà được vào thôi. Đứng đấy, tôi đi lấy chìa khoá”.

Chị Ngân vào trong nhà. Ngồi xuống ghế, chị nhỏ nhẹ: “Mặt T bẩn hết rồi kìa”, rồi rất tự nhiên, chị đứng dậy lấy chiếc khăn ở ngoài hiên vào lau mặt cho T. Máu nóng dường như được làm nguội đi khiến khuôn mặt của T dãn ra. T ngồi im.

“Bây giờ thì mình nói chuyện người lớn nhé, nhưng trước khi nói chuyện thì phải cởi trói cho vợ đã, T nhé. Chị bảo này, trong gia đình, nó là vợ em, nhưng ở ngoài xã hội, em làm vậy là phạm luật rồi, là không tốt đâu em”. Một chút nghĩ ngợi, rồi T cũng “giải thoát” cho vợ. Sau khi được cởi trói, chị bảo vợ xuống đun ấm nước, rồi nháy cho trai tráng đưa chị vợ ra ngoài.

Hai ngày sau, anh chồng vác bộ mặt ăn năn đến nhà chị: “Chỉ có chị mới bảo vợ con em về được thôi”. “Vậy thì em phải sửa. Nếu vợ về thì tổ hoà giải cũng phải đến cùng. Em phải làm bản cam kết không đánh vợ đó”- chị nói. Anh chồng... gật đầu.

Sau những lần đó, nói chung “chiến tranh” còn “leo thang” một vài lần nữa, nhưng đến bây giờ hầu hết họ đều đã “bình thường hoá quan hệ”, gia đình đã ít sóng gió hơn. Gọi chị là “người thương thuyết”, thực lòng cũng không quá!

Vũ phu thành tuyên truyền viên

Chị Ngân bảo: Có những phen anh chồng vũ phu, đánh đập vợ tưởng chừng “tan đàn sẻ nghé”, nhưng đội hoà giải của xã đã thuyết phục được,  vợ chồng lại “cơm dẻo, canh ngọt”; nhiều anh chồng lại trở thành một tuyên truyền viên phòng chống bạo lực gia đình của xã.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Toàn (xóm 6, Vũ Lạc) vốn trước đây “khét tiếng” về độ... vũ phu. Khó ai tưởng tượng nổi người đàn ông gầy gò, hiền lành này trước đây lại khiến cả gia đình lúc nào cũng “căng như dây đàn”.

Ông Toàn kể: Trước kia, ông có vợ sống trong miền Nam trong một gia đình tư sản người Trung Quốc, cuộc sống sạch sẽ “như lau như ly”. Thế rồi, “vật đổi sao dời”, ông phải trở về vùng quê mùa hạt thóc, củ khoai Thái Bình, lấy vợ hai ông bỗng rơi vào “cú sốc văn hoá”.

Trước đây, ông sống với quan niệm: “Đàn ông là tất cả, đàn bà... không là gì hết”, người phụ nữ chỉ có “quyền”... vào bếp, chứ không thể ngồi ngang hàng với chồng. Vậy mà bà vợ hai lại dám “cự nự” lại ông, thế có bực mình không? Ông thấy cuộc sống thật tù túng.

Gà lợn bẩn thỉu khiến ông điên đầu! Chỉ cần đạp vào phân gà, ông cũng điên tiết hất tung cả rổ bát đĩa; phát hiện con ruồi đậu vào bát là ông sẵn sàng đập bát tan tành. Đã vậy, vợ lại hay “lằng nhằng” lý luận: “Nhà quê phải có con gà, con lợn chứ, sạch sao được”. Vợ mà cãi lại là ông lại đánh. Vợ mà “lừ lừ”, ông cũng đánh. Kiểu gì cũng... đánh. Rồi ông viết đơn đòi ly hôn.

Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ xã đã phải thân chinh xuống hoà giải. Bằng những lời khuyên nhủ có lý, có tình, “mưa dầm thấm lâu”, ông nhận ra rằng mình không thể mang lối sống quá khứ áp vào hiện tại được. Ông bảo: “Tôi nghĩ giả sử em gái mình gả cho người chồng giống mình, hơi tý là cáu gắt, không tôn trọng phụ nữ thì chắc sẽ khổ lắm. Mình theo cách mạng là để đòi công bằng, văn minh, vậy mà giờ mình lại trọng nam khinh nữ như vậy thì có vô lý không? Còn đứa con! Nếu vợ chồng như vậy thì con cái làm sao nuôi dạy được. Quá trình ông nhận ra được những điều đó cũng phải trải qua hàng năm trời.

Bây giờ thì cuộc sống gia đình ông lúc nào cũng “rúc rích tiếng cười” (lời ông Toàn). “Cô vẫn hơi bừa bộn chút, nhưng tôi... nín. Muốn không bị ruồi đậu vào bát thì tôi lấy... lồng bàn đậy lên thôi” - ông nói.

Không những vậy, ông còn trở thành một tuyên truyền viên phòng, chống bạo lực gia đình của xã. Người ta nghe ông, bởi chính ông đã từng trải qua như họ. Ông thường tâm sự với các ông chồng vũ phu: “Anh có thấy gia đình tôi ngày trước không? Lúc nào cũng cốc vỡ, chén vỡ, chửi nhau, con cái khóc lóc. Và tôi thì còn tệ hơn cả anh nhiều. Còn bây giờ, tôi đã thay đổi, gia đình tôi êm ấm vậy đó, vậy cái nào hơn? Tốt nhất là một điều nhịn, chín điều lành” cho gia đình, anh à”.

Hiện toàn xã Vũ Lạc có 7 tuyên truyền viên từng có “tì vết vũ phu” như ông Toàn. Họ dùng câu chuyện của chính họ để khuyên nhủ những ông chồng đang “lầm đường lạc lối”. Có thể nói, Đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể của xã đã thực sự tạo ra một mạng lưới để “bủa vây” những ông chồng vũ phu và “cứu vớt” những bà vợ trong cơn nguy khốn. Xã có Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, rồi đội can thiệp nhanh. Mỗi thôn của xã có tới 5 địa chỉ tin cậy để chị em trong xã có thể trú ẩn, tránh “bão tố” từ các đức ông chồng.

Nhà chị Ngân cũng là một địa chỉ tin cậy. Mỗi thôn cũng có 1 tổ tư vấn (toàn xã có 7 thôn). Mỗi khi “chiến tranh bùng nổ” là các chị lại lánh nạn tại những địa chỉ này, còn ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, các tổ tư vấn (vốn hoạt động tình nguyện, không công) đến để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, từ đó đưa ra những điều hay lẽ phải để khuyên nhủ.

Chúng tôi chia tay chị Ngân khi chị chuẩn bị đi làm. Chồng chị Ngân nhẹ nhàng tết tóc cho chị, trông như những đôi uyên ương mới yêu nhau. Thật mong được nhìn thấy nhiều hình ảnh như thế, không chỉ riêng nơi đây, nơi Vũ Lạc đang dần vắng bóng... vũ phu.


Đoàn Tất Thảo

No comments:

Post a Comment