Monday 1 August 2011

Cảnh báo từ “Truyện dành cho lứa tuổi trưởng thành”


Trong truyện “Love Hina”, nhiều cảnh tắm của 5 cô gái “nóng” đến mức các NXB phải “mặc” thêm…áo lót cho các nhân vật này, đặng đỡ…trần trụi. Đấy chỉ là một trong nhiều bộ truyện tranh với dòng chữ ngoài bìa: “Truyện dành cho lứa tuổi 18”, “Truyện dành cho lứa tuổi trưởng thành”…được lưu hành công khai và có mặt trong cặp sách của nhiều học sinh cấp II, thậm chí cả cấp I… 
Quá nhiều hình ảnh “ướt át”
Cuốn truyện “Love Hina” kể về anh chàng Keitaro, thi ĐH lần thứ 3, ở trọ cùng với 5 cô gái khác, từ đó mà nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Truyện “hot” đến mức trong một diễn đàn truyện tranh, các thành viên còn tranh cãi với nhau là truyện này chưa thể được phép xuất bản tại Việt Nam. Một thành viên còn khẳng định, nếu phải cắt tất cả các cảnh nóng, thì truyện sẽ bị cắt tan nát tới…1/3, người đọc sẽ không thể hiểu được “đầu ngang mũi dọc” của truyện như thế nào nữa. Đọc bản được xuất bản tại VN chưa đủ, các thành viên còn truyền tay nhau những đường link để down truyện nguyên bản từ nước ngoài để có thể “thưởng thức” hết những hình ảnh nóng bỏng.
Những cuốn truyện được dán nhãn dành cho lứa tuổi 18 này chủ yếu là những chuyện tình cảm yêu đương phức tạp, éo le, lâm li của những cô nàng, anh chàng mới lớn. Một truyện khác “nặng đô” hơn là “Onegai teacher.” Truyện kể về mối tình giữa cậu học sinh tên là Kei với Mizuho, một người đến từ…hành tinh khác và là…cô giáo của Kei. Sau nhiều gian nan, cản trở, hiểu lầm éo le, mối tình cô- trò liên hành tinh được hình thành. Truyện rất nhiều hình ảnh nóng bỏng giữa đôi tình nhân vốn là cô giáo và học sinh.  
Truyện “Tuổi mộng mơ” (Truyện dành cho lứa tuổi 17) của NXB T.H lại lôi cuốn người đọc với câu chuyện tình rất nhiều nước mắt, trắc trở, éo le với 4 nhân vật chính đó là Mary, David, Jen, Eric. Trong khi Mary yêu thầm Eric, thì David lại yêu Mary, Jen thì lúc đầu tuy không yêu ai, nhưng luôn tìm cách phá hoại chuyện tình của Mary. Trong truyện, những cảnh các nhân vật hôn nhau được lặp lại thường xuyên. Cảnh suýt vượt quá giới hạn khi Mary và Eric ở trên…giường cũng được diễn tả khá kỹ.
Có thể nói, một số truyện có cốt truyện khá hay, nhưng có quá nhiều nét vẽ quá đà, đến lứa tuổi cấp III đọc còn phải cân nhắc, chứ chưa nói gì đến những đứa trẻ 10-12 tuổi. Người đọc không khỏi giật mình khi đọc truyện Malisa Lin, trong đó có câu chuyện kể về một anh chàng nhiều phen vụng về…tụt váy của các bạn nữ cùng lớp. Truyện “Thục nữ yêu kiều" của NXB Đ.N với cảnh nóng chàng trai hôn cô gái từ phía sau, một tay ghì chặt cô gái, một tay đặt lên ngực áo cô gái. Truyện “Chàng quản gia” NXB Đ.N với tình yêu tay tư, những cảnh tắm với chiếc khăn che nửa kín nửa hở. “Lời thề sao băng” của NXB K.Đ cũng có những lời thoại kiểu như “anh muốn được ngủ cùng em đến sáng.”
Trẻ con hồn nhiên đọc
Ở Nhật Bản, nơi truyện tranh phát triển đã lâu đời, có rất nhiều dòng truyện tranh, dành cho mọi lứa tuổi, kể cả người lớn. Mỗi lứa tuổi có một dòng truyện khác nhau. Văn hóa Nhật bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa phương Tây đã hàng chục năm, nên một học sinh cấp II ở Nhật có thề cầm những cuốn truyện dành cho người trưởng thành này một cách bình thường, nhưng ở Việt Nam, xã hội còn tương đối chưa cởi mở về vấn đề tình dục, thì những học sinh cấp III đọc truyện này còn phải lo nơm nớp, sợ người lớn bắt gặp. Vậy mà, tại các cửa hàng truyện tranh, không ít học sinh cấp II, thậm chí cấp I vẫn ngấu nghiến đọc những bộ truyện chỉ dành cho lứa tuổi trưởng thành này.
Những người cho thuê truyện chả ngần ngại cho thuê trẻ con đọc, miễn là chúng có tiền. Còn các bậc phụ huynh, thấy con đọc truyện tranh thì yên tâm hết ý, bởi người Việt Nam vẫn quan niệm, nói đến truyện tranh là nói đến trẻ con. Các bậc phụ huynh đâu có biết rằng, trong những bộ truyện đó là những ý nghĩ đen tối đang xua dần những sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên của các em. Không ai có thể khẳng định rằng, các em sẽ không tìm đến những cái “nặng đô” hơn để thỏa mãn thêm trí tò mò mới được những bộ truyện tranh này khai phá.
Khi phát hành, những NXB đã làm một công việc trách nhiệm gọi là có là đề tại trang bìa dòng chữ: “Truyện dành cho lứa tuổi…”. Đề như vậy nhưng có ai ngăn cấm, quở trách, phạt các em đâu khi các em vẫn rất dễ dàng được đọc? Các em vẫn tìm được dễ dàng như bất kỳ một bộ truyện tranh nào khác. Trần Hồng Liên, SV ĐH Y cho rằng: “Nhiều khi, chính bởi những dòng chữ đấy mà một số em mới cấp II, cấp I lùng đọc cho bằng được để xem nội dung dành cho người trưởng thành là thế nào, thỏa mãn trí tò mò của các em.” Trên một diễn đàn truyện tranh, một thành viên buông ra một câu hết sức vô trách nhiệm: “Tuổi nào đọc truyện mà chả được, miễn là…biết chữ. Bé thì bố mẹ sẽ quản, còn lớn rồi thì phải có ý thức tự quản thôi.” Nếu như vậy thì thật nguy cho các em nhỏ, bởi bố mẹ làm sao mà biết được, những cuốn truyện xanh đỏ tưởng chừng rất phù hợp với con lại là những hình ảnh mà người lớn cũng phải xấu hổ.
Đấy là chưa kể, tại Việt Nam, truyện tranh đề là “dành cho người lớn” lại không thấy người lớn nào đọc, mà toàn trẻ con thuê.. Nếu người lớn nào đọc thì bị chê là…trẻ con, Do vậy, việc đề dòng chữ ấy ra ngoài bìa là điều vô ích, lại còn kích thích các em nhỏ tìm đọc.
Vẫn biết rằng, bây giờ, mua một đĩa sex trôi nổi là điều không khó, vẫn biết các em có thể còn gặp những thứ còn kinh khủng hơn trên mạng, rồi còn phim ảnh được chiếu công khai, cũng có rất nhiều cảnh mùi mẫn, không hợp với các em. Vẫn biết rằng vậy, nhưng mong sao, ở lĩnh vực truyện tranh, vốn là cả một thế giới của tuổi thơ các em được trong sạch hơn, lành mạnh hơn bởi những người lớn có tâm. Để các em được sống trọn vẹn với tuổi thơ hồn nhiên, sáng trong của mình, giữa thế giới hiện đại quá nhiều cám dỗ này.  

No comments:

Post a Comment