Friday 5 August 2011

Chung cư cũ: Lơ lửng hiểm nguy, luẩn quẩn tiền thuê


 (LĐ) - Thành phố Nam Định hiện có 29 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 60-80 của thế kỷ trước. Khoảng hơn 5.000 người đang phải sống trong những khu nhà đang ngày càng xuống cấp này, tiềm ẩn nguy cơ đe doạ tính mạng người dân.
Bên cạnh đó, việc thu tiền thuê nhà tại đây đang nằm trong vòng luẩn quẩn.
Sống trong sợ hãi
Bề ngoài khu 3 tầng số 6 (đường Phan Bội Châu, phường Trần Đăng Ninh) không khác gì một ngôi nhà hoang: Bờ tường xám xịt, tróc lở. Khu nhà này được Nhà máy dệt Nam Định (trước đây) xây từ những năm 1960.
Ông Vũ Quyết Tiến (phòng 1A) chỉ cho tôi một góc ô văng ở trên tầng 3 đã bị rơi xuống, trơ ra cả sắt gỉ: “Những khi mưa xong, nắng lên, cả mảng lại rơi xuống. Thật nguy hiểm vì hàng ngày có nhiều người đi lại qua đây!” - ông bức xúc.
Người dân đã kiến nghị sửa chữa lên UBND phường, nhưng chưa thấy động tĩnh gì.
Nhà vệ sinh của chung cư này cũng xuống cấp, mất vệ sinh trầm trọng. Tại tầng 1, 4 hộ chung một nhà vệ sinh. Ông Tiến cho hay: Có nhiều lần cống không tiêu, nước dâng lên, ngập tràn cả nhà vệ sinh, nước thấm từ trên xuống, có khi “đi” phải... đội nón!
Tại nhà 3 tầng số 3 sát đó, hành lang tối tăm, nhà vệ sinh tại tầng 2 lênh láng nước, mùi hôi thối, tường bong tróc. Bà Trần Thị Huê - người dân sống tại đây - than thở: “Không có nhà thì phải ở thôi, chứ chán lắm”. Nhà vệ sinh này cũng chung cảnh khi “đi” phải đội nón.
Xuống cấp dễ thấy nhất của các chung cư cũ này là: Tường bị bong tróc, lòi cả gạch, sắt thép bên trong; nhà vệ sinh bị thấm dột, hôi thối, tối tăm. Có người đã bị gặp tai nạn vì tường rơi vào.
Ông Trần Xuân Thu (phòng 9D khu 5 tầng số 4, phường Trần Đăng Ninh) kể lại: Cách đây vài tháng, khi ông đang ngồi rửa cốc chén trong nhà bếp, thì một mảng tường to hơn cái mặt bàn rơi xuống. Thấy tê choáng, ông sờ lên đầu thì bàn tay đầy máu. Nhà bà Nguyễn Thị Loan (khu 5 tầng số 2) cũng đã bị rơi cả miếng tường ở ngoài hành lang.
Hiện Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định đang được giao quản lý các chung cư cũ này. Trao đổi với PV, ông Trần Đức Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Cty - cho biết: “Các chung cư cũ đã biến dạng nhiều. Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí kinh phí chống đỡ nhà nguy hiểm. Năm vừa rồi, kinh phí sửa chữa hết 700 triệu đồng, chủ yếu là thay cột thu lôi, chống thấm dột... Còn việc trát tường mới chưa làm được. Nhưng có trường hợp Cty xuống tu sửa thì nhiều nhà không chấp nhận do phải di chuyển chỗ ở”.
Luẩn quẩn thu phí
Ông Trần Đức Nam - Giám đốc Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định - cho biết: Cty được thành lập từ năm 1992, sau đó, từ năm 1997 đến năm 2001 thì tiếp nhận quản lý toàn bộ quỹ nhà ở, trong đó có các chung cư cũ, chủ yếu là của Nhà máy dệt Nam Định xây cho CN ở trước đó. Về nguyên tắc, khi Cty tiếp quản thì giữa Cty và người thuê căn hộ phải tiến hành làm hợp đồng thuê mới. Nhưng theo khảo sát của PV, nhiều hộ vẫn chưa có hợp đồng thuê nhà, còn việc thu phí thuê nhà thì gần như không có.
Tại khu 5 tầng số 2 (đường Trần Đăng Ninh), chỉ có những hộ tầng 1 là nộp phí hàng tháng. Người dân cho biết nhân viên đến thu phí của những hộ này rồi đi, không buồn lên các tầng trên nữa.
Ông Nguyễn Trọng Biền - Tổ trưởng tổ 26 phường Trần Đăng Ninh khu 5 tầng số 4 cho biết: 90% số hộ trong chung cư chưa có hợp đồng mới với Cty, hầu hết các hộ không nộp tiền thuê nhà. Muốn có hợp đồng thì người dân phải “truy nộp” số tiền thuê nhà từ trước đến nay (khoảng 10 năm). Số tiền đó là không nhỏ so với thu nhập ít ỏi từ đồng lương hưu hoặc lao động chân tay của họ, nên rất ít người làm hợp đồng.
Năm 1991, Nhà máy dệt Nam Định bàn giao khu tập thể 4 tầng (đường Trần Bích San, phường Trần Quang Khải hiện nay) cho CN ở. Ông Mai Trọng Tính - Tổ trưởng tổ dân phố số 8 - cho biết: Cách đây 7 năm, nhà máy bàn giao chung cư cho Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định quản lý. Nhưng, mặc dù có hợp đồng mới với Cty, người thuê nhà không đồng ý nộp tiền thuê vì cho rằng vào thời điểm xây, họ đã đóng góp 1/3 giá trị căn hộ. Vướng mắc, nên sau đó, khu chung cư này lại chuyển về cho Cty dệt quản lý.
 Ông Tính cho biết: Hiện 28 hộ về đây, nhưng chưa có hợp đồng, muốn mắc nước, điện thoại cũng không được, phải nhờ chủ cũ mắc nhờ. Vấn đề tiền thuê này cũng ảnh hưởng lớn việc tu sửa nhà.
Bà Trần Thị Dậu - Tổ trưởng tổ dân phố tổ 12 - cho biết: “Nhân viên Cty bảo không thu được tiền nên không sửa, người dân thì bảo không thấy sửa gì nên không nộp tiền”. Chung cư này cũng được xây dựng từ quỹ phúc lợi của nhà máy.
Được biết, dự kiến Cty sẽ tổ chức hội nghị vào đầu tháng 2.2010 với các đại diện các phường trong thành phố bàn về quản lý các chung cư trên địa phương, trong đó có một vấn đề quan trọng là làm sao thu được tiền thuê nhà của người dân. “Chúng tôi sẽ bàn bạc về cách thức khoán cho phường thu tiền, vì phường gần người dân nhất”- ông Nam cho biết.

No comments:

Post a Comment