Monday 1 August 2011

Nơi góc khuất thành phố


Dòng nước chảy tới ngã ba sông Kiến Giang (TP. Thái Bình) trở nên mệt mỏi, đen ngòm, đầy xú uế. Tại đây, hơn 10 năm nay, trên chiếc thuyền tàn tạ, đôi vợ chồng bệnh tật, cùng 2 đứa con lay lắt sống trong đói nghèo, trong sự bạc ác của những người trong họ.
“Chưa thấy gia đình nào khổ như gia đình ấy!”
Chị Xuyến, Trưởng ban quản lý chợ Phúc Khánh thở dài nói như vậy khi tôi hỏi thăm đến gia đình vạn chài hiếm hoi ở Thái Bình này. “Anh chồng tên là Ngô Cao Tâm, chị vợ tên là Nguyễn Thị Hoa. Dường như anh chị ấy bị giời đày. Trong chợ, ai cũng phải lắc đầu thương cảm khi nhắc đến hai anh chị”, chị cho biết.
Bà con trong chợ kể rất nhiều về anh Tâm, có thể chắp lại câu chuyện về anh như thế này: anh Tâm sinh ra không may bị ngọng, nên bị gọi là Tâm “ngọng”, nhưng lành như đất, suốt ngày cui cút mò cua, bắt ốc kiếm ăn… Anh chỉ có thói xấu là đôi khi uống rượu say thì nói năng linh tinh. Có lẽ vì vậy mà anh bị bố mẹ, anh em hắt hủi, ghét bỏ, không cho về nhà. Ngày anh lầm lũi trên sông, tối anh lê la ngoài chợ, “ngã đâu là giường”. Tủi phận mình, mỗi khi say, anh lại làm ồn ào cả một khu chợ. Anh lại hay về nhà để đòi được chia đất, khi mà người anh trai cả đã chiếm gần hết đất bố mẹ để lại. Nhiều lần như vậy, nên mâu thuẫn giữa các anh em trai nhà họ Ngô cực kỳ gay gắt.
Một ngày cuối năm 1995, người dân chợ Phúc Khánh bàng hoàng bởi một cảnh như trong phim hành động. Bà Nguyễn Thị Sọi, cô ruột của anh Tâm kể lại: “Hôm đấy, đứa em thằng Tâm rượt đuổi thằng Tâm qua các sạp hàng. Khi đuổi kịp, thằng Tâm đã hứng trọn lưỡi dao từ thằng em.  Lưỡi dao đâm lút từ đằng trước ra đằng sau.” Vết đâm ấy không giết chết anh Tâm, nhưng anh bị nát bấy một quả thận.
Tình anh em đã bị nhát dao oan nghiệt chặt đứt từ đó.
Trong thời gian 3 tháng giữa 2 đợt phẫu thuật, anh vẫn phải đeo cái bìu để đựng ruột trong khi lần hồi kiếm ăn ở những khúc sông. Công an vào cuộc, nhưng người bố xin giải quyết nội bộ nên mọi chuyện chìm vào quên lãng. Sau nhát chém ấy, sức khỏe suy sụp, anh lại càng trở nên khó tính, cục cằn hơn. Hai anh em của Tâm bán kính mắt ở ngay ngã ba cạnh đó, nên cứ mỗi khi Tâm say rượu, là y rằng mấy anh em lại có chuyện. Bà Nguyễn Thị Sọi, cô ruột của anh Tâm cho hay: “Không có tôi và người dân khu chợ Phúc Khánh thì thằng Tâm chết từ lâu rồi”. Ngay cả bây giờ, một mình một cõi giữa ngã ba sông, nhưng anh vẫn không ít lần bị họ giả vờ gọi “Tâm ơi, lên đây bảo có người gặp” để gây hấn. Có đợt, 4 anh em nhà họ Cao đứng trên bờ ném gạch đá ầm ầm lên thuyền của anh Tâm.
Lay lắt trên dòng sông đen
Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện “Vợ nhặt” của Kim Lân. Anh chàng Tràng nghèo rớt, ấy vậy mà kiếm được cô vợ qua câu hò bâng quơ. Anh chàng Tâm này cũng vậy. Một người hay say rượu, lại mất một quả thận, vậy mà vẫn có người con gái tình nguyện làm bạn đời với anh.
Chị tên là Nguyễn Thị Hoa, nhà ở cầu Tăng (Cầu Nguyễn, Đông Hưng). Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, chị làm nghề bán hàng xén. Chị quen anh khi đi bán hàng tại chợ Phúc Khánh. Cho đến khi, anh bị đâm thì chị quyết định… cưới anh. “Anh bị cả gia đình hắt hủi, rồi lại bị đâm chém như vậy, mình thấy xót xa cho anh lắm”, chị bảo. Mọi người can ngăn chị hết lời, ngay cả bà cô ruột anh Tâm cũng khuyên: “Lấy nó là không có tương lai đâu, sẽ khổ cả đời đấy con à.” Nhưng chị bỏ ngoài tai, quyết tâm lấy anh.
Sau khi xin cưới ở nhà ở nhà anh Tâm không được đồng ý, hai anh chị đành cưới ngay ở chợ. Đám cưới của anh chị giản lược hết mức: Quần áo thì mượn của một chị quản lý chợ; đón dâu bằng… xe ôm, rồi hai người thuê chiếc quán của một người quen làm tổ ấm.
Nhưng tiền thuê nhà quá cao, mà hai anh chị lại vô nghề nghiệp, hơn nữa, trong lúc này, các anh em trai luôn tìm cách gây hấn với anh chị, nên năm 1998, chị quyết định sắm sanh một cái thuyền để lênh đênh trên sông nước đánh cá lần lữa qua ngày. Cuộc đời sông nước của gia đình anh chị bắt đầu từ đấy. Gia đình anh chị “định cư” tại ngã ba sông Kiến Giang, nơi hội tụ của tất cả rác rưởi của thành phố. Lần lượt 2 đứa con ra đời khiến cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
Tôi gặp chị khi chị vừa tất tả vác chiếc rá sau khi đi bán cá về. “Chẳng được bao nhiêu chú à. Anh ấy thức từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, rồi đến lượt tôi lấy cá để đi bán ở chợ. Vậy mà cũng chỉ được 24.000đ thôi”, chị lắc đầu. Những năm gần đây, sông bị ô nhiễm nặng, con cá con tôm ít dần đi, khiến bát cơm của gia đình chị cũng vơi dần. Anh thì sức khỏe rơi rớt: mất 1 thận, ruột bị cắt 30 phân, mỗi khi trái gió trở giời là vết thương lại nhức nhối nhưng vẫn phải cắn răng thức khuya lần hồi. Mấy hôm trước, chị khêu vết thương khiến nó chảy gần một chén mủ. Anh muốn kiểm tra lại sức khỏe nhưng chưa được vì xã chưa cấp cho anh sổ khám bệnh, mà khám bây giờ, tiền triệu, lấy đâu ra?
Chị Xuyến, Trưởng ban quản lý chợ Phúc Khánh, chỉ mấy bè muống rồi nói: “Nóng rồi nên nó đã tốt lên, chứ mấy hôm rét đậm, trông nó xác xơ như những mảng rơm khô.” Đấy cũng là nguồn thu nhập của anh chị. Nhặt nhạnh cái nọ cái kia thì một ngày cũng chỉ được khoảng 30.000đ. Hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, tuổi học hành nên rất tốn kém. “Chúng nó chỉ cần cơm nguội rắc vài hạt muối mà cũng “đánh” bay mấy bát đấy”, chị khoe. Vừa qua, giá cả tăng cao, một cân gạo bét nhất cũng phải 8.000đ, khiến cuộc sống của gia đình càng thêm bấp bênh, như chính con thuyền của anh chị vậy.
Tôi nhìn khuôn mặt khắc khổ của anh chị mà không khỏi xót xa. Các ngón tay, ngón chân của anh chị, hai cháu sần sùi những mụn, lở loét, vì bị nước “ăn”. Mỗi lần các xí nghiệp, bệnh viện…xả nước thải, khúc sông này lại khẳm lên, nhờ nhờ với đủ thứ rác rưởi độc hại, không ai dám rửa chân. Vừa rồi chị phải vào bệnh viện cấp cứu bởi apxe gan, gia đình bên ngoại chạy vạy mãi mới đủ tiền chữa bệnh. Bây giờ chị còn yếu, da xanh mợt, nhưng “sợ bệnh viện lắm, vì vào đấy thì lấy tiền đâu”, chị thở dài như muốn chôn chặt nỗi đau bệnh tật. Hai cháu thì bị viêm phổi mãn tính.
“Cũng may mà nhà trường miễn học phí, rồi đóng bảo hiểm cho các cháu, chứ nến không thì tôi cũng không biết xoay xở làm sao”, chị bảo. Tôi hỏi hai cháu Ngô Cao Tiến (9 tuổi, đang học lớp 5) và Ngô Thị Thanh (7 tuổi, đang học lớp 4): “Các bạn có hay trêu không?” Cháu Thanh nói: “Dạ, có ạ”, như khi hỏi trêu như nào thì cháu nói cháu quên mất rồi. Chị giải thích, cháu bị thiểu năng não, nói trước quên sau, nên học hành khó khăn lắm. Còn cháu Tiến thì học tốt hơn. Cháu rơm rớm nước mắt: “Các bạn hay trêu cháu là dân chài bẩn thỉu”, cháu nói xong thì chạy vào góc thuyền, ngồi im lặng.
Bờ gần mà xa
“Chúng tôi ở đây cực lắm chú à. Nay người ta đuổi, mai người ta xua, vì cản trở dòng chảy. Nhưng chúng tôi biết đi đâu về đâu bây giờ, nên mỗi lần họ đuổi là gia đình lại lên bờ để lánh nạn, thấy êm êm lại trở về”,  chị thật thà. Vì thương anh chị nên Ban quản lý chợ đã làm một cái cổng, giao cho chị chìa khóa để chị tiện lên xuống chợ buôn bán. Chị nhìn mênh mang lên bờ, nơi cuộc sống ồn ào xuôi ngược. “Ai muốn sống ở đây đâu. Các cháu cũng không muốn vì bị bạn bè trêu, tội chúng nó lắm, nhưng mà lên bờ sao mà khó quá chú à”, chị nói.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    
Được biết, cách đây hai năm, UBND xã Phú Xuân đã quyết định cấp cho anh chị 27m2 tại Tổ 3, thế nhưng, vừa qua, xã cho rằng mảnh đất ấy hẹp quá nên không cấp nữa để tìm một mảnh đất khác rộng hơn. Theo một số người dân thì một số người trong Tổ sợ việc anh không nghề nghiệp, rồi hay say rượu lại đến ở đó sẽ ảnh hưởng đến mọi người.
Anh Lê Đức Thành, tổ 3 Phú Xuyên cho rằng: Phải nghĩ đến tương lai của thế hệ măng non là 2 cháu nhỏ, vì vậy, các cấp chính quyền, người dân nên chung tay giúp đỡ để cho gia đình anh chị được lên bờ. Anh lắc đầu: “Nhưng nếu có lên bờ thì chắc anh chị ấy cũng chả có tiền mà xây nhà. Tiền ăn còn chẳng đủ, mà giá cả vật liệu xây dựng lại tăng cao như thế này.”
Ngày trước, có cô gái trong “Mùa hoa cải” muốn lên bờ nhưng vướng phải lời nguyền của người cha, còn bây giờ, có gia đình nghèo xơ xác muốn lên bờ nhưng vẫn phải chờ các cấp chính quyền địa phương. Trong khi chờ đợi, thì cuộc sống của họ với 2 măng non đang bấp bênh với nỗi đe dọa của bệnh tật và áo cơm.

No comments:

Post a Comment