Wednesday 24 August 2011

Nhộn nhịp mua bán đất cho…người chết


“Những huyệt mộ có vị trí đẹp, sát mặt đường tại khu I (khu mộ đại chúng) đều đã có chủ rồi. Anh có thể chọn những khu khác”- một nhân viên giao dịch tại văn phòng điều hành nghĩa trang công viên Bình Dương cho hay khi tôi hỏi mua “đất của người chết” này cho ông nội. Anh cũng cho biết thêm: 90% người đến mua huyệt mộ là từ TPHCM. Trong số những người đến đây, không ít là đầu cơ để chuyển nhượng lại huyệt mộ kiếm lời.
Sôi động bán mua
Khi tôi đến, tại văn phòng điều hành nghĩa trang, có hơn chục người đến tìm hiểu, tư vấn, mua đất huyệt mộ tại nghĩa trang. Những nhân viên giao dịch luôn tay giải thích, trả lời, làm hợp đồng cho khách đến mua. Tuy trên bản đồ thể hiện tám khu huyệt mộ (đánh dấu bằng các chữ cái), nhưng nhân viên ở đây cho biết: hiện mới chỉ có ba khu, khu I (khu mộ đại chúng), khu B (tín ngưỡng đại thừa, tiểu thừa, lương) và khu K (khu mộ phá cách) là đã đi vào hoạt động, còn các khu khác đang trong quá trình xây dựng.
Tôi được một nhân viên đưa cho bảng giá đất huyệt được áp dụng từ ngày 20.3.2009. Nếu ai đó từng nói rằng: Khi chết, mọi người đều giống nhau, đều trở về với cát bụi, thì chắc hẳn phải… nghĩ lại khi nhìn bảng giá đất này, bởi ngay trong nghĩa trang này, giá huyệt mộ cũng khác nhau, tùy theo vị trí của từng chiếc. Theo đó, giá huyệt mộ tại khu I có giá từ 14 triệu đến gần 20 triệu đồng, tùy vị trí nằm gần mặt tiền đường hay không. Giá đắt nhất là các vị trí tại giao lộ 7m và 7m, với 19,5 triệu đồng/mộ. Số tiền này bao gồm tiền đất huyệt cộng với phí chăm sóc, bảo quản mộ (20% giá trị đất mộ), chi phí xây kim tĩnh và chi phí lát dall.
Khu I này chính là nơi việc mua bán diễn ra sôi động nhất, do hợp với túi tiền của phần đông người dân. Trên tấm bản đồ được treo ngay tại văn phòng, những vị trí đẹp, nằm sát đường đều đã được đánh dấu màu xanh, thể hiện vị trí này đã bị “xí phần”. Chỉ còn những vị trí nằm xa đường thì vẫn còn khá nhiều.  
Cao cấp hơn là đất tại huyệt mộ khu B. Cũng như tại khu I, những vị trí gần với đường, cũng như gần các công trình kiến trúc thì có giá cao hơn các vị trí khác. Các phần đất huyệt mộ này có giá giao động từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng/mộ. Các vị trí ở khu B2 có giá “mềm” hơn cả, trong khoảng từ 50 triệu đến hơn 80 triệu đồng/mộ. Đắt đỏ nhất tại khu B là các khu B1.3, B1.4, B1.5, B1.6, có vị trí được định giá tới gần 200 triệu đồng/mộ.
Choáng váng nhất vẫn là huyệt mộ ở khu K (khu mộ phá cách). Đây là khu mộ dành cho cả gia tộc, có giá từ hơn 100 triệu đồng đến… gần 400 triệu đồng. Thực ra, tính giá trị theo m2 thì giá đất ở khu này chỉ bằng 1/3 so với khu B1, nhưng vì một mộ có diện tích lớn nên giá mới chót vót như vậy. Ví dụ, tại khu K1, các vị trí tiếp giáp đường 6m có giá là 3,6 triệu đồng/m2, với diện tích là 81m2, cùng với chi phí chăm sóc, bảo quản mộ, chi phí xây kim tĩnh, thì tổng cộng tiền một mộ là gần 350 triệu đồng.
Bên cạnh số tiền mua huyệt mộ, người xây mộ phải móc túi thêm từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để xây mộ, tùy thuộc vào mẫu mộ như thế nào, từ mẫu mộ với đá tím Khánh Hòa đến đá hồng Gia lai, đá xà cừ, đá Kim Sa…
Tiếp xúc với một cụ già đến mua, ông cho tôi biết cụ từ TPHCM lên đây cùng với các con để chọn đất. Sau khi được tư vấn, xem vị trí đất, ông quyết định mua hai huyệt với giá mỗi huyệt 84 triệu đồng. Ông phải đặt cọc mỗi huyệt là 15 triệu đồng, trong vòng 20 ngày phải trả hết số tiền còn lại, nếu không trả đúng hạn thì sẽ mất tiền đặt cọc. Ông cho hay: vị trí hai huyệt mộ ông mua gần với chùa Đại An, hiện chưa được triển khai, nhưng nếu chùa được xây xong, thì những huyệt mộ nằm gần chùa sẽ có giá đắt hơn nhiều. “Bây giờ có tiền mua trước, nhở đâu nữa giá lại tăng, hơn nữa, đợi khi ốm yếu rồi mới chạy ngược xuôi để mua thì rất khổ”- ông nói.
Những người đầu cơ…mộ
“Chúng tôi hiện đang sỡ hữu một số lượng lớn Sanh phần, nằm ở mặt tiền đường nhựa tại Khu I, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Đặc biệt, hàng mộ mặt tiền nằm trên đường rộng 7m nên rất tiện cho xe bus  vào tận nơi, trước dãy mặt tiền có sân cỏ và lề đường rộng 10m nên rất thoáng và đẹp. Nếu quý vị có nhu cầu mua, xin liên hệ với chúng tôi…”. Lần theo lời giới thiệu này trên mạng Internet, tôi gọi điện thoại đến người tên Minh. Khi tôi hỏi muốn mua một huyệt tại khu I, anh này cho hay, hiện anh có một vị trí rất đẹp tại Khu I 2.4, được đánh số 23, giáp với cả hai mặt tiền đường. Khi tôi hỏi giá, anh đưa ra con số 24 triệu đồng. Tôi than giá hơi mắc, anh giãi bày: “Tôi mua phần huyệt này hơn một năm rồi, lúc đấy giá đã là 17-18 triệu”. Rồi anh khẳng định những vị trí đẹp đã bị mua hết, trong đó, không nhỏ là những người đầu cơ mộ như anh. “Tôi mua mấy chục cái, bây giờ đã bán gần hết, chỉ còn vài cái thôi”. Anh tiết lộ thêm, ngoài việc mua rồi bán lại huyệt mộ để kiếm lời, anh còn giới thiệu khách hàng đến công ty. Nếu giao dịch được thực hiện, thì công ty sẽ trả tiền “hoa hồng” vài trăm ngàn “gọi là tiền đổ xăng thôi”.
Tuy chủ đầu tư hạn chế một cá nhân mua tối đa  40 phần mộ nhưng theo một người dân sống gần nghĩa trang, đã có người mua hơn con số này ở khu I, và hiện đã sang tay người khác gần hết. Ngay từ khi công viên nghĩa trang đi vào hoạt động, những người này đã nhanh nhạy xí phần những vị trí đẹp để bán lại cho người khác, kiếm tiền chênh lệch. Chủ đầu tư chấp nhận việc người mua sang nhượng huyệt mộ cho người khác.   
Tại một trang web rao vặt khác, chúng tôi đọc được lời quảng cáo như sau: “Đang sở hữa 12 ô mộ tại nghĩa trang công viên Bình Dương. Các ngôi mộ nằm ở vị trí rất đẹp (nằm sát khu mặt tiền đường công viên). Giá bán: một huyệt mộ là 22 triệu và không tốn bất cứ phí nào khác trong việc chôn cất”.  Kèm theo đó, người rao vặt này còn đưa hình ảnh những phần mộ mà mình đã sở hữu (trên bản đồ).
Quả là, tại nghĩa trang này, bên cạnh những người lo xa cho cái chết của mình, thì còn có những người biết nhìn xa, biết nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để kiếm lời từ những cái tưởng chừng chỉ để dành cho người chết này.
Box: Nghĩa trang công viên Bình Dương tọa lạc tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (cách thị xã Thủ Dầu một khoảng 25 km) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa làm chủ đầu tư. Nghĩa trang có diện tích gần 200 ha, được đưa vào hoạt động từ  tháng 11-2007.  Nghĩa trang có quy mô của một quần thể kiến trúc đậm nét văn hoá, đa tôn giáo, có đài tưởng niệm, quảng trường chính và nhà lưu cốt. Nghĩa trang bao gồm các khu dành cho cán bộ cao cấp, người có công với nước, khu cho người theo đạo, khu cho người Hoa, khu cho người nước ngoài và người không có nơi cư trú ổn định… Mỗi khu đều thiết kế biểu tượng kiến trúc riêng biệt. Gia Bảo

No comments:

Post a Comment